Khi trái cây tạo hình mùa Tết không còn... độc lạ, mới mẻ

Trái cây độc lạ vẫn với những tạo hình quen thuộc như bưởi hồ lô, đu đủ, xoài in chữ Tài Lộc, dừa dát vàng…được một số nhà vườn cung cấp ra thị trường phục vụ nhu cầu trưng Tết.

Đến hẹn lại lên, trái cây độc lạ với những tạo hình quen thuộc như bưởi hồ lô, đu đủ, xoài in chữ Tài Lộc, dừa dát vàng…vẫn được một số nhà vườn cung cấp ra thị trường phục vụ nhu cầu trưng Tết.

Tuy nhiên, xu hướng người tiêu dùng ngày càng siết chặt chi tiêu, trong khi chi phí đầu tư tăng, thị trường hạ nhiệt. Do đó, một số nhà vườn ngày càng không mặn mà đầu tư ý tưởng cho ra các sản phẩm mới.

 Combo cầu dừa đủ xoài của ông Bùi Văn Thức

Combo cầu dừa đủ xoài của ông Bùi Văn Thức

Bưởi hồ lô ra thị trường Tết giảm

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, huyện Châu Thành, Hậu Giang - người tiên phong sáng tạo trái cây tạo hình cho biết, năm nay các thành viên câu lạc bộ sản xuất khoảng 3.000 trái bưởi hồ lô, giảm 20% so với năm ngoái.

Giá bưởi hồ lô từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/trái tùy theo mẫu. Chẳng hạn, bưởi hồ lô Tài Lộc loại 1,8kg -2,5kg giá khoảng 1 triệu đồng/trái.

Theo ông Thành, năm nay lượng khách hàng mới tăng nhiều nhưng đơn hàng của khách hàng cũ lại sụt giảm. Ví dụ năm ngoái họ đặt mua 100 cặp thì năm nay chỉ mua 50-70 cặp.

Ông Bùi Văn Thức, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thông tin, tương tự như những năm trước, Tết 2025 ông chuẩn bị từ 1.000-2.000 trái xoài in chữ thư pháp Tài Lộc và combo cầu, dừa, đủ, xoài in chữ thư pháp, bọc vàng để đáp ứng nhu cầu trưng Tết của người dân.

Giá xoài in chữ thư pháp từ 150.000-170.000 đồng/trái (700-800gram); combo cầu, dừa, đủ, xoài 500.000-700.000 đồng.

“Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua thị trường chậm. Tôi vừa bán sỉ vừa bán lẻ, đến thời điểm này đơn hàng nhận được 70%, hy vọng từ nay tới giáp Tết sẽ tiêu thụ hết các loại trái cây tạo hình”-ông Thức nói.

Ông Nguyễn Văn Dình, huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyên phân phối sỉ và lẻ dừa dát vàng kể, năm ngoái tháng 12 cơ sở mới chuẩn bị vật liệu, cắt phôi lên mẫu cho ra sản phẩm nhưng năm nay Tết tới sớm nên từ tháng 10 đã bắt tay vào làm.

Theo ông Dình, năm nay tình hình tiêu thụ vẫn ổn định. Cơ sở của ông dự kiến đưa ra thị trường Tết khoảng 10.000 trái dừa dát vàng.

Giá dừa dát vàng bán lẻ từ 450.000-700.000 đồng/cặp. Mức giá này tăng hơn so với năm ngoái do các loại phụ kiện kèm theo tăng, công của nhân công dát vàng 400.000-500.000 đồng/giờ cộng với nguồn dừa năm nay ở miền Tây giảm, giá dừa tại vườn cũng tăng cao.

“Tham gia thị trường trái cây nghệ thuật năm năm, nhờ mỗi năm nghĩ ra một điểm mới như trang trí trái dừa đẹp hơn nên vẫn bán tốt. Ngoài ra, năm nay cơ sở sản xuất câu đối, lời chúc Tết dát vàng để khách hàng mua về tự tay trang trí vào các loại trái cây khác”-ông Dình chia sẻ.

 Ông Võ Trung Thành (áo trắng) bên trái bưởi tạo hình

Ông Võ Trung Thành (áo trắng) bên trái bưởi tạo hình

Cần sản phẩm mới để dẫn dắt thị trường

Ông Võ Trung Thành cho rằng, bưởi tạo hình có mặt tại thị trường hơn chục năm nay, và mỗi năm giá cả đều tăng. Ban đầu từ 300.000 đồng/trái tăng dần đến nay cả triệu đồng/trái.

''Tôi cũng chia sẻ cách làm, kinh nghiệm với các địa phương nên thị trường ngày càng nhiều sản phẩm bưởi tạo hình dẫn đến dần bão hòa. Trái cây tạo hình đã trở thành sản phẩm đại trà, không còn độc lạ như những năm trước", ông Thành nhận xét.

Ông Thành thông tin thêm, ông đã từng quản lý 250 ha bưởi Năm Roi của các hội viên nhưng trong quá trình canh tác các vườn bưởi ngày càng thoái hóa, người nông dân chuyển đổi cây trồng khác.

Vì vậy, diện tích trồng bưởi Năm Roi ngày càng thu hẹp, hiện nay chỉ còn một số ít hộ trồng để tạo hình bán trong dịp tết.

“Nhằm tiếp tục gia tăng giá trị cho trái cây miền Tây, tôi đã có nhiều ý tưởng, nhưng vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện nghiêm nên tôi đã chuyển sang những cây ăn trái khác", ông Thành nói.

Một số hội viên đang trồng đào tiên tạo hình rất đẹp nhưng sản phẩm này không ăn được sau khi trưng Tết như bưởi hay dưa hấu…Do đó, bà con chỉ làm vài chục trái bán trong địa phương, ông Thành kể.

 Dừa dát vàng

Dừa dát vàng

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc hợp tác xã xoài cát hồng Vinh Trung tỉnh Hậu Giang khoe lần đầu tiên xoài in chữ thư pháp ra thị trường rất hút khách nhưng người tiêu dùng ngày càng ít ưa chuộng.

Trước đây xoài thương phẩm giá thấp, khi đầu tư khuôn mẫu để in chữ thư pháp, xoài được khoác “áo mới” nên bán có giá hơn. Tuy nhiên, hiện nay xoài thương phẩm giá cao. Từ xoài thương phẩm trở thành xoài thư pháp nghệ thuật chi phí tăng 30%-40%, giá bán phải tăng 30% người sản xuất mới có lời.

Bên cạnh đó, thị trường hiện nay cũng có nhiều loại trái cây tạo hình, khách hàng có nhiều sự lựa chọn nên nhu cầu giảm.

"Riêng năm nay vụ thu hoạch không rơi đúng vào cuối năm. Mặt khác, nhận thấy thị trường chưa khởi sắc, cộng với lợi nhuận không đạt được nhiều, năm nay chúng tôi chỉ bán xoài thương phẩm bình thường", ông Nhàn nói.

Anh Huỳnh Thanh Tâm, ấp 5, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết, năm nay nhà vườn anh không sản xuất bưởi tạo hình, dừa khắc chữ như mọi năm. "Tôi chỉ nhận làm đơn hàng xuất khẩu nhưng với số lượng không nhiều", anh Tâm nói.

Theo anh Tâm, sau dịch COVID-19 trở lại đây thị trường trái cây tạo hình tiêu thụ chậm. Một phần do đất đai lão hóa khiến bưởi không đạt chuẩn, chưa kể chi phí nhân công, chi phí vận hành…cao dẫn đến giá bưởi tạo hình tăng rất khó bán.

Anh Tâm dẫn chứng, trước đây khách hàng chia ra phân khúc giá cao cấp, trung cấp và bình dân, gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng chuyển sang chọn sản phẩm có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, chi phí khi đầu tư cao, nếu bán mức giá thấp người nông dân không có lời.

Hơn nữa, trái cây tạo hình không còn là sản phẩm độc lạ, được săn đón từng trái như trước đây. Giống như ngày xưa chỉ mỗi dịp Tết các cơ sở mới làm các loại mứt, còn bây giờ mứt được bán quanh năm suốt tháng.

Vì vậy, nhà vườn nào sáng tạo được dáng hình mới hoàn toàn, trở thành sản phẩm độc đáo sẽ dẫn dắt thị trường.

Những năm qua anh Tâm đã nghiên cứu và cho ra nhiều mẫu mã từ hình dáng bưởi hồ lô hình vuông, hình thỏi vàng, hình lục giác, ngũ giác, hoa mai…

"Tuy nhiên, bưởi tạo hình hoa mai không được thị trường ưa chuộng nên ngừng sản xuất. Riêng bưởi hình thỏi vàng được thị trường đón nhận thì mỗi năm tôi cải tiến đặc sắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mẫu mã này được tồn tại thêm vài năm”-anh Tâm kể.

Chia sẻ về kế hoạch tương lai, anh Tâm cho biết anh chuyển giao khuôn mẫu và liên kết với nhà vườn, theo đó, các nhà vườn có thể mua khuôn mẫu có sẵn sản xuất theo đơn hàng phục vụ Tết.

Người sản xuất kinh doanh cần tạo ra xu hướng

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội làm vườn Việt Nam đánh giá, giai đoạn đầu khi mới ra thị trường trái cây tạo hình được thị trường đón nhận tốt nhưng ngày càng giảm.

Nguyên nhân từ sau dịch COVID-19 đến nay sức mua thị trường giảm. Nhưng không riêng trái cây tạo hình mà các loại hoa và một số sản phẩm khác phục vụ tết sức mua không đạt như kỳ vọng.

Mặt khác, với trái cây tạo hình, người sản xuất kinh doanh cần tạo ra xu hướng. Khi sự mới mẻ không còn sẽ không tạo sự hấp dẫn cho người tiêu dùng. Vì vậy, trái cây tạo hình, không chỉ có quả bưởi, dưa hấu…mà cần sáng tạo ra các sản phẩm mới hơn để tạo ra xu hướng mới.

“Do đó, đối với vấn đề sở hữu trí tuệ cần được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm hơn để khuyến khích sự đầu tư phát triển các ý tưởng sáng tạo bởi điều này cần có người tiên phong thúc đẩy”-ông Mười chia sẻ.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-trai-cay-tao-hinh-mua-tet-khong-con-doc-la-moi-me-post829615.html