Thụy Điển: Truyền thống văn học nữ giới và Selma Lagerlof [Kỳ II]

Đến cuối thế kỷ XIX, phong trào phụ nữ Thụy Điển bị lu mờ do những tác phẩm của Strindberg có thái độ hằn học đối với phụ nữ. Mặc dù vậy, một loạt nhà văn nữ vẫn tiếp tục nêu cao tinh thần đấu tranh giải phóng phụ nữ thừa hưởng của thế kỷ XVIII.

Khuôn mặt nổi lên trong số đó là Ellen Key (1849-1926). Là con một chính khách địa chủ, bà chuyển từ lý tưởng Kitô giáo sang những tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng, thực chứng luận, theo con đường của Geijer, Bremer, Almqvist.

Bà bênh vực quyền lợi phụ nữ, nêu cao vai trò xã hội của người mẹ, đòi giải phóng cảm xúc cho phụ nữ. Bà hòa nhập vào phong trào công nhân. Chống lại Thế chiến, bà đấu tranh cho hòa bình thế giới; bà là bạn của nhà văn Pháp R.Rolland, chiến sĩ hòa bình. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà: Thế kỷ của trẻ em (1901), đặt trẻ em vào vị trí tôn trọng nhất trong gia đình và xã hội, báo hiệu quan niệm về vai trò giáo dục trẻ em trong thế kỷ XX.

Sau Thế chiến II, thơ hầu như làm bá chủ văn đàn Thụy Điển. Những năm 60, văn xuôi và đặc biệt tiểu thuyết đã nổi lên với một thế hệ nhà văn đầy sinh lực và tài năng, cho đến nay vẫn có uy tín.

Trong số đó, phải kể đến nhà văn nữ Brigitta Trotzig, sinh năm 1929. Sáng tác của bà nêu những băn khoăn siêu hình, nhuốm màu hiện sinh và Công giáo.

Bà đề cập đến cái ác, tội lỗi, đau khổ, hằn thù, tủi nhục, và sự vắng bóng của Thượng đế. Con người có thể, nếu được ân Chúa, làm chủ sự đau khổ, ra khỏi cõi tối tăm và thành một người mới. Trong Kẻ mất chức, một mục sư thế kỷ XVII cuối cùng đã tìm thấy ánh sáng nội tâm. Bệnh tật (1972) gắn số phận một đứa trẻ bị bệnh tâm thần với những sự kiện phá hoại của cái ác.

Đối với thế giới, văn đàn Thụy Điển có một bộ phận văn học nữ giới mà đại diện lớn nhất là Selma Lagerlöf.

Nữ nhà văn Selma Lagerlof.

Trong các nhà văn nữ Thụy Điển, Selma Lagerlöf là ngôi sao sáng nhất. Trên văn đàn Thụy Điển và quốc tế, uy tín của bà không hẳn đã kém Strindberg. Bà là một trong những tác giả Thụy Điển được dịch nhiều nhất trên thế giới. Năm 1909, bà là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel văn học. Năm 1914, bà là nhà văn nữ đầu tiên được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Selma Lagerlöf (1858-1940) ra đời ở ấp Marbacka thuộc miền Varmland. Thời thơ ấu và niên thiếu, bà sống ốm yếu, cô đơn, chìm đắm trong truyền thuyết dân gian được kể trong xóm làng. Bà thuộc gia đình địa chủ phá sản; bố ốm phải bán ấp đi; sau này có tiền, bà chuộc lại ấp. Bà học sư phạm, làm giáo viên trong mười năm, từ năm 27 tuổi đến năm 37 tuổi. Sau đó, bà hoàn toàn theo văn nghiệp. Bà có đi mấy chuyến ra nước ngoài: Cận Đông, Italy... Từ năm 51 tuổi đến khi qua đời năm 82 tuổi, bà sống ở ấp cũ, tự mình trông nom công việc trong khi hoạt động văn học.

Với Truyền thuyết về Gästa Berling, ra năm 1891, cô giáo Selma Lagerlöf 33 tuổi bỗng nhiên nổi danh. Câu chuyện đặt trong khung cảnh nông thôn Varmland đầu thế kỷ XIX, còn đầy mê tín. Gösta Berling là một mục sư mới học xong, tính tình phức tạp, rượu chè be bét. Giám mục nghe tố cáo thói xấu của chàng, đến điều tra; hôm đó, chàng Berling lên giảng đạo hùng hồn đến nỗi được tha tội. Nhưng rồi chàng cũng bị kỷ luật, sống lang thang và sau được “Bà chủ” Elkeby, vợ và là người quản lý giỏi của chủ một lò đúc, nhận cho sống cùng với một đám “hiệp sĩ”.

Đóng vai Mạnh Thường Quân, bà khoản đãi những “hiệp sĩ” này, vốn là những cựu quân nhân, đầu óc phiêu lưu, nghệ sĩ nửa vời. Một tên mới đến là Sintram, rất độc ác, hiện thân của Quỷ dữ, quấy rối và reo rắc bất hòa; cả bọn quay ra oán bà ân nhân; có người tố cáo bà ngoại tình khiến bà bị chồng đuổi, phải đi ăn mày ở ngoài cánh đồng tuyết phủ. Các “hiệp sĩ” tự do phá phách của cải lò đúc do “Bà chủ” làm ra trong bao nhiêu năm.

Trong khi đó, Berling tài hoa xinh trai và ăn nói có duyên bị một số phận nghiệt ngã theo đuổi, chàng đụng đến ai là mang tai họa đến cho người ấy. Chàng đã phá hoại cuộc đời nhiều phụ nữ mà mình quyến rũ. Cuối cùng, đói ăn, các “hiệp sĩ” phải lao động làm sống lại lò đúc. Lúc đó “Bà chủ” xuất hiện, nhưng đã chết sau khi tha thứ cho các “hiệp sĩ” phản bội. “Mục sư hổ mang” Berling phải chuộc tội qua nhục nhằn và lao động ở lò đúc; tình yêu của một phụ nữ quý tộc bị đày đọa đã cứu vớt chàng.

Câu chuyện dựa vào những truyền thuyết miền Varmland, một miền xa xôi. Có những cảnh hiện thực phê phán như khi tác giả đối lập cuộc sống phè phỡn của các “hiệp sĩ” trong ấp có lò đúc và sinh hoạt lầm than của nhân dân. Tuy nhiên, giá trị của tác phẩm chủ yếu ở nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính, làm sống lại truyền thuyết, nửa hư nửa thực. Với tính chất tượng trưng và triết lý cuộc sống.

Tác giả thể hiện cái vĩnh viễn của cảm xúc Bắc Âu (Scandinavia): những băn khoăn của đạo Tin lành, cuộc đấu tranh bất tận giữa Thiện và Ác, mâu thuẫn giữa nghị lực và trực giác, quan hệ khi hòa hợp, khi khắc nghiệt giữa thiên nhiên và con người. Berling bỏ Chúa, đi theo cái Ác, do bản năng quá mạnh. Song, lúc thì chàng hèn hạ, ích kỷ, lúc lại hào hiệp; chàng phân vân giữa Chúa và quỷ dữ. Cuối cùng, chàng tìm được đạo lý nội tâm bằng cách sống như mọi người.

[Còn tiếp]

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuy-dien-truyen-thong-van-hoc-nu-gioi-va-selma-lagerlof-ky-ii-230233.html