Thương vụ M&A khủng BP – Shell: Châu Âu sắp có đối thủ xứng tầm với Mỹ?
Nếu Shell thực sự tiến hành thâu tóm BP, đây có thể trở thành một trong những thương vụ lớn nhất lịch sử ngành năng lượng châu Âu.

Nếu Shell thực sự tiến hành thâu tóm BP, đây có thể trở thành một trong những thương vụ lớn nhất lịch sử ngành năng lượng châu Âu. Hình minh họa
Đáng chú ý, lần đầu tiên khu vực này có cơ hội sở hữu một tập đoàn dầu khí đủ sức cạnh tranh trực tiếp với những doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ như Exxon Mobil hay Chevron.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại lại không mấy thuận lợi cho BP. Giá cổ phiếu của hãng đã sụt gần 1/3 trong vòng 12 tháng qua, trong khi kế hoạch tái cơ cấu vẫn chưa thuyết phục được giới đầu tư. Dù vậy, nếu thương vụ diễn ra suôn sẻ, đây có thể là bước ngoặt lịch sử với Shell.
Hai bên hiện vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin Shell cân nhắc mua lại BP. Tuy nhiên, thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới chuyên gia, kéo theo nhiều phân tích xoay quanh lợi ích và rủi ro tiềm ẩn. Dưới đây là những điểm nổi bật:
Một gã khổng lồ dầu khí mới
Theo đánh giá từ UBS Group, nếu Shell và BP — hai tập đoàn dầu khí lớn có trụ sở tại London — hợp nhất, sản lượng khai thác sẽ lên tới gần 5 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày, tăng 85% so với mức hiện tại của Shell (khoảng 2,7 triệu thùng/ngày). Với con số này, liên doanh mới sẽ trở thành nhà khai thác dầu khí tư nhân lớn nhất thế giới.
Để so sánh, trong quý I/2024, Exxon đạt sản lượng 4,6 triệu thùng/ngày, còn Chevron là 3,4 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, việc Shell thâu tóm BP đồng nghĩa họ sẽ sở hữu luôn BPX — công ty con chuyên khai thác dầu đá phiến của BP đặt tại Denver, Mỹ. Đây được xem là phần bù đắp cho sai lầm chiến lược hồi năm 2021, khi Shell bán mảng kinh doanh tại vùng Permian cho ConocoPhillips ngay trước đợt bùng nổ của ngành. Điều bất ngờ là chính ông Wael Sawan — CEO hiện tại của Shell — từng phụ trách mảng khai thác thượng nguồn vào thời điểm đó.
Tham vọng thống trị thị trường LNG
Shell hiện đang là nhà cung cấp LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) lớn nhất thế giới. Nếu mua lại BP, vị thế này sẽ còn được củng cố mạnh mẽ hơn nữa, theo phân tích của RBC Capital Markets. Tổng sản lượng LNG sau sáp nhập có thể vượt 90 triệu tấn mỗi năm — chiếm hơn 20% thị phần toàn cầu.
Với quy mô khổng lồ và mạng lưới hoạt động toàn cầu, Shell hậu sáp nhập sẽ có thêm nhiều lợi thế để tối ưu hóa hoạt động thương mại LNG — yếu tố then chốt trong bối cảnh thị trường khí đốt biến động mạnh suốt thời gian qua. Chưa kể, việc hợp nhất hai đội tàu vận chuyển LNG cũng hứa hẹn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí logistics và vận chuyển.
Mở rộng mảng giao dịch: Cơ hội hay gánh nặng?
BP và Shell vốn đã là những ông lớn trong lĩnh vực giao dịch hàng hóa toàn cầu, phần lớn nhờ vào việc sở hữu hàng loạt tài sản như nhà máy lọc dầu và hệ thống đường ống dẫn. Những tài sản này mang lại cho họ lợi thế vượt trội trong việc thu thập và phân tích thông tin thị trường – một yếu tố then chốt để tối ưu lợi nhuận từ giao dịch.
Dù hoạt động giao dịch thường ít được công bố công khai, cả BP và Shell đều từng tiết lộ phần nào lợi ích tài chính mà mảng này mang lại. Trong 5 năm qua, bộ phận giao dịch của BP đã giúp nâng tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư thêm khoảng 4% mỗi năm. Về phía Shell, trong suốt một thập kỷ qua, con số này dao động từ 2% đến 4%.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc hợp nhất hai bộ phận giao dịch này có đủ tạo ra giá trị vượt trội, xứng đáng với cái giá phải trả hay không. RBC hoài nghi: “Liệu Shell có sẵn sàng trả giá cao để sở hữu một bộ phận giao dịch trong khi bản thân họ đã có một đội ngũ giao dịch riêng khá mạnh?”
Cái giá cho thương vụ khủng
RBC ước tính, nếu muốn mua lại BP, Shell có thể phải chấp nhận trả cao hơn khoảng 20% so với giá trị thị trường hiện tại của BP – tương đương với 57 tỷ bảng Anh. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ, dù có thể phần nào được bù đắp bằng những khoản tiết kiệm chi phí sau sáp nhập.
Cụ thể, RBC dự báo Shell có thể tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD sau thuế trong năm đầu tiên nhờ hợp nhất hoạt động. Con số này có thể tăng lên 2 tỷ USD từ năm thứ hai. Ngoài ra, chi phí đầu tư cũng có thể giảm thêm 1 tỷ USD trong năm đầu và 1,5 tỷ USD trong năm kế tiếp.
Từ góc nhìn tài chính, thương vụ này vẫn có tiềm năng tạo ra giá trị. RBC nhận định rằng kể từ năm 2026, việc thâu tóm BP sẽ giúp cải thiện dòng tiền tự do trên mỗi cổ phiếu – chỉ số được Giám đốc Shell Wael Sawan xem là “ngôi sao dẫn đường” cho chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty. Điều này chủ yếu đến từ các khoản tiết kiệm và cắt giảm đầu tư sau sáp nhập.
Gánh nặng nợ nần và bồi thường
Một trong những rào cản lớn nhất đối với bất kỳ kế hoạch sáp nhập nào chính là tình hình tài chính của BP. Theo đánh giá từ UBS, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của BP – bao gồm cả các khoản vay, hợp đồng thuê và trái phiếu – đã lên tới 48% vào cuối quý I/2024. Đây là mức cao nhất trong số các tập đoàn dầu khí toàn cầu.
Không chỉ vậy, BP vẫn đang phải chi trả khoản bồi thường thường niên liên quan đến thảm họa tràn dầu Macondo ở Vịnh Mexico từ năm 2010 – và khoản này sẽ còn kéo dài đến tận năm 2033. “Chúng tôi cho rằng gánh nặng nợ nần, trái phiếu lai, cam kết thuê dài hạn cùng khoản bồi thường từ sự cố Macondo sẽ là ‘ly thuốc độc’ đối với Shell – một công ty nổi tiếng với việc duy trì bảng cân đối tài chính lành mạnh”, RBC nhận định.
Nỗi lo về cạnh tranh
Nếu thương vụ sáp nhập diễn ra, mạng lưới bán lẻ nhiên liệu của Shell có thể tăng thêm khoảng 48%, tương đương hơn 21.000 trạm xăng, nâng tổng số điểm bán lên hơn 65.000 trạm trên toàn cầu, theo UBS. Điều này có thể khiến thị phần kết hợp giữa hai công ty trở nên quá lớn ở một số thị trường, làm dấy lên lo ngại về cạnh tranh và buộc họ phải bán bớt tài sản để tránh rắc rối pháp lý. Một trong những phương án được đề xuất là Shell có thể cân nhắc bán toàn bộ mảng bán lẻ và tiếp thị của BP – hiện được RBC định giá từ 30 đến 40 tỷ USD.
Bán tài sản – bài toán khó
Ngoài mảng bán lẻ, RBC cho rằng Shell có thể không mặn mà với nhiều tài sản khác của BP, chẳng hạn các hoạt động khai thác dầu khí tại Azerbaijan, Iraq, Ấn Độ và Abu Dhabi. Tuy nhiên, việc phải bán đi một lượng lớn tài sản như vậy có thể trở thành một trở ngại không nhỏ cho thương vụ.
“Chúng tôi cho rằng danh mục tài sản ngoài lõi của BP quá cồng kềnh, không dễ để xử lý trong thời gian ngắn. Điều này có thể buộc Shell phải thực hiện một đợt bán tài sản quy mô lớn nữa. Với tiền lệ từng đánh mất giá trị trong các thương vụ M&A trước đây, Shell có lý do để e ngại về viễn cảnh này”, RBC cảnh báo.