Thu gọn đầu mối một số ban quản lý di tích ở Hải Dương là cần thiết

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, việc thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả quản lý là cần thiết nhưng cần tính toán thời điểm phù hợp.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng, cần tính toán thời gian sáp nhập Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn vào Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho phù hợp

Tại phiên họp tháng 5 (lần 1) vào chiều 10/5, UBND tỉnh xem xét dự thảo Đề án sáp nhập Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn vào Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và đổi tên thành Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Hải Dương trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo dự thảo đề án, sẽ sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn vào Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và đổi tên thành Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Hải Dương trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc sáp nhập nhằm thống nhất đầu mối quản lý các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh đặc thù của từng khu di tích, liên kết chuỗi di sản văn hóa để phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương có di tích quốc gia đặc biệt và của tỉnh, của khu vực.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho rằng việc thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả quản lý là cần thiết nhưng cần tính toán thời điểm phù hợp... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá sâu thêm hiệu quả hoạt động của 3 đơn vị trước và sau khi sáp nhập; hiệu quả sau khi sáp nhập; công tác bố trí sắp xếp lao động, chỉ đạo hoạt động, viên chức và người lao động; mối quan hệ trong công tác phối hợp quản lý giữa cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nên nghiên cứu, học tập thêm cách thức, mô hình quản lý một số di tích lớn tại các địa phương khác để có phương án phù hợp nhất.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài chính xem xét lại cơ chế tài chính đối với các ban quản lý di tích; huyện Cẩm Giàng cần đánh giá lại việc đầu tư, vận hành, duy trì các di tích.

Tại phiên họp này, UBND tỉnh Hải Dương xem xét và cho ý kiến vào phương án đầu tư đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng nhà văn hóa khu dân cư số 9; giải phóng mặt bằng Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao tầng Ngô Quyền và khu đô thị trung tâm thành phố - khu vực 2; vướng mắc giải phóng mặt bằng tuyến đường khớp nối khu đô thị Tuệ Tĩnh với đường Ngô Quyền (TP Hải Dương); chủ trương xây dựng mới Rạp chiếu phim Thống Nhất và các tờ trình: phương án quản lý bãi xe, dịch vụ, hàng quán tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2024 trên địa bàn tỉnh; phương án sắp xếp Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thu-gon-dau-moi-mot-so-ban-quan-ly-di-tich-o-hai-duong-la-can-thiet-381303.html