Thế giới 'chao đảo' vì Omicron, chạy đua 'giải mã' biến thể siêu đột biến
Chỉ hơn 2 tuần sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trải khắp tất cả các châu lục.
Trong khi chính phủ các nước tìm cách tăng cường tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì giới khoa học cũng chạy đua với thời gian để giải mã biến thể mới. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, Omicron có thể dễ lây hơn nhưng cũng ít độc tính hơn và các biện pháp phòng ngừa hiện nay đối với biến thể Delta cũng có tác dụng đối với siêu đột biến này.
Tại châu Âu, các ca nhiễm biến chủng mới này đã được xác nhận ở 16 quốc gia. Một số ca nhiễm không hề có lịch sử đi du lịch gần đây, cho thấy khả năng virus đã lây nhiễm trong cộng đồng. Tại Mỹ, ít nhất 12 bang đã xác nhận xuất hiện ca nhiễm biến chủng mới.
Thế giới tới nay vẫn chưa biết nhiều thông tin về Omicron, nhưng các chuyên gia y tế lo ngại số lượng đột biến lớn của biến chủng này có thể khiến nó lây lan nhanh hơn cả biến thể Delta hiện chiếm ưu thế. Chính phủ nhiều nước đã phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, kiểm soát biên giới và thậm chí yêu cầu tiêm chủng bắt buộc.
Trong phát biểu cuối cùng gửi tới người dân Đức trên cương vị Thủ tướng, bà Angela Merkel đã hối thúc người dân tiêm chủng đầy đủ phòng Covid-19, nhằm giúp đất nước thoát khỏi làn sóng dịch lần thứ 4 mà theo bà là đã trở nên "nghiêm trọng": “Chúng ta đang ở trong làn sóng thứ tư của đại dịch và đang ở trong một tình huống rất nghiêm trọng. Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chăm sóc tích cực đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân nặng phải chuyển nhiều bệnh viện mới được điều trị. Đó là lý do tại sao tôi lại khẩn thiết kêu gọi các bạn: hãy đánh giá tình hình một cách nghiêm túc. Biến thể Omicron mới dường như dễ lây lan hơn so với những biến thể trước. Hãy chủ động đi tiêm phòng. Không quan trọng đó là mũi đầu tiên hay mũi tăng cường. Mọi loại vaccine đều hữu ích.”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có thể mất nhiều tuần để các nhà khoa học xác định chính xác mức độ lây nhiễm của Omicron cũng như việc liệu biến thể này có làm tỉ lệ ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 gia tăng hay không, đi cùng đó là khả năng kháng vaccine của Omicron.
Tuy nhiên, theo chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới Soumya Swaminathan, một thông tin tích cực là thế giới vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào do nhiễm Omicron và điều này cho thấy vaccine vẫn đang cho thấy hiệu quả: “Biến thể Omicron có thể vượt qua hàng rào miễn dịch và khiến ngay cả những người đã được tiêm phòng trước đó cũng bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thực tế là không có ca bệnh nặng nào do biến thể Omicron được ghi nhận. Dù vẫn cần những nghiên cứu thêm, song rõ ràng vaccine vẫn đang cung cấp sự bảo vệ. Vì vậy chúng tôi hi vọng các loại vaccine hiện nay tạo đủ phản ưng miễn dịch trong cơ thể để bảo vệ khỏi bệnh tật nghiêm trọng.”
Kết quả giải trình tự gen do các nhà khoa học Mỹ tiến hành và được công bố hôm qua trên tờ Bưu điện Washington cũng cho thấy, một chuỗi gen của Omicron không xuất hiện trong bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào trước đó, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, trong đó có virus gây cảm lạnh và cả trong gen người. Điều này có thể đã khiến biến thể này trở nên “quen thuộc hơn với cơ thể người” và qua mặt hệ thống miễn dịch tốt hơn. Khi tiến hóa để trở nên dễ lây lan hơn, virus thông thường cũng sẽ tự “đánh mất” những đặc tính gây ra triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là những đánh giá ban đầu và hiện chưa thể kết luận Omicron chỉ gây bệnh nhẹ. Vì thế, vaccine cùng với các công cụ sẵn có như giãn cách xã hội, khẩu trang,... vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cắt đứt chuỗi lây truyền của virus. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã cử một nhóm chuyên gia tới Nam Phi để có thể sớm tìm lời giải cho biến thể siêu đột biến Omicron./.