Thay đổi hành động mỗi ngày vì an ninh nguồn nước tương lai

Được mệnh danh là vùng sông nước, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu nước ngọt sử dụng nhất là thời điểm hạn, mặn ngày càng trở nên trầm trọng. Đâu là nguyên nhân? Làm gì để bảo đảm an ninh nguồn nước là bài toán đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương trong toàn vùng.

Nhiều mối lo về nguồn nước

Nằm giữa vùng rừng U Minh Hạ, mấy năm gần đây, xã Khánh Thuận (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) luôn là một địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng. Cũng như bao người dân nơi đây, trước kia, nguồn nước sử dụng của gia đình ông Trần Nguyên Quân đều dựa vào hệ thống kênh, rạch sát nhà. Loại nước này bằng mắt thường cũng nhìn thấy ô nhiễm nên từ vài năm trước, ông Quân vay mượn tiền để khoan giếng. “Nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, vị chua chua, lờ lợ... thành ra vẫn phải đi mua nước ngọt. Một thùng nước ngọt giá 12.000 đồng, chỉ dùng để ăn, uống cũng hết vài trăm nghìn mỗi tháng”, ông Quân than thở.

Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo-Medic Cần Thơ phối hợp với LLVT Quân khu 9 hỗ trợ nước cho bà con chịu ảnh hưởng của hạn mặn ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang vào mùa hạn, mỗi ngày đều xuất hiện cảnh người dân gồng gánh, mang xô, bình, bồn... xếp hàng tại các trạm cấp nước, các xe nước từ thiện... để chờ được lấy nước ngọt về sử dụng.

Sống giữa vùng sông nước nhưng người dân ĐBSCL lại “khát” nước. Điều này nghe có vẻ bất hợp lý, tuy nhiên thực tế, từ những đợt hạn mặn năm 2016, 2020 và đến nay, tỷ lệ người dân thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa hạn mặn năm 2024 có đến 50.000 hộ gia đình ở ĐBSCL bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%.

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, khách quan là do biến đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn, nguồn nước bị suy thoái và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan đến từ hậu quả của việc sử dụng nước thiếu kiểm soát, các hoạt động khoan giếng diễn ra bừa bãi làm thẩm thấu nước mặn vào tầng nước ngầm. Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, mỗi năm mực nước ngầm của vùng ĐBSCL sụt giảm khoảng 40cm, kéo theo sự lún, sụt mặt đất, tạo điều kiện cho nước biển dâng cao, mặn xâm nhập sâu. Việc khai thác nước ngầm nhiều, khi các giếng khoan hư hỏng không được trám, lấp đúng quy trình cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm do nước mặt dẫn vào.

Tại hội thảo diễn ra mới đây ở Cần Thơ, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, có 7 thách thức đặt ra cho an ninh nguồn nước ở ĐBSCL. Đó là tình trạng: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mê Công qua nơi khác; khai thác tài nguyên nước quá mức; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; suy giảm chất lượng môi trường đất-nước; hiệu quả sử dụng nước rất thấp. Những thách thức này đẩy ĐBSCL vào những nguy cơ về suy giảm dòng chảy, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường.

Thay đổi nhận thức về sử dụng nước

Là hạ nguồn cuối cùng của hệ thống sông Mê Công, mỗi năm, ĐBSCL tiếp nhận xấp xỉ 500 tỷ mét khối nước từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, có đến 475 tỷ mét khối từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỷ mét khối. Theo thống kê, đến năm 2024, các nước ở thượng nguồn sông Mê Công đã và đang xây dựng khoảng 128 hồ với dung tích trữ ước tính trên dưới 88 tỷ mét khối nước, cùng với đó, lượng mưa ở ĐBSCL đang ngày một giảm dần đã tác động không nhỏ đến an ninh nguồn nước. Do vậy, quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả nguồn nước, quan điểm về “thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên là rất cần thiết.

Người dân huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang phải mua nước và lấy từ các đoàn xe từ thiện về sử dụng qua mùa hạn mặn.

Hiến kế cho ĐBSCL, trong nghiên cứu của mình, nhóm các chuyên gia Châu Nguyễn Xuân Quang, Hồ Văn Hòa, Ngô Ngọc Hoàng Giang (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất: “Việc phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán được xem là giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ở ĐBSCL. Giải pháp trữ nước quy mô vùng có thể áp dụng cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, giải pháp trữ nước phân tán nên được xem xét áp dụng cho vùng ven biển ở ĐBSCL”.

Xác định việc xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm là khá rõ nét, theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ tác động xấu đến chất lượng nguồn nước mặt cần kiểm soát các nguồn xả thải, đặc biệt là nguồn thải sinh hoạt như thu gom rác thải tập trung, thu gom các chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Còn tại các khu đô thị tập trung, cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường bên ngoài; cần xây dựng thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, tăng cường công tác quản lý môi trường.

Là địa phương có hơn 2.600 hộ chịu cảnh thiếu nước ngọt mùa hạn, mặn năm nay, đồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng: “Cùng với các giải pháp công trình, một trong những yếu tố cốt lõi, đó chính là phải thay đổi nhận thức của cộng đồng về nước. Đây không còn là tài nguyên vô hạn và cần có cách ứng xử đúng đắn hơn. Cùng với đó, hình thành ý thức xem tài nguyên nước là hàng hóa, người sử dụng phải trả phí, tài nguyên nước là nguồn lực để phát triển.

Theo dự báo, cứ 4 năm kịch bản về hạn mặn sẽ lập lại và sức công phá năm sau cao hơn năm trước. Để viễn cảnh thiếu nước trong mùa khô hạn không còn, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và trách nhiệm sử dụng nguồn nước của người dân là rất cần thiết.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thay-doi-hanh-dong-moi-ngay-vi-an-ninh-nguon-nuoc-tuong-lai-776270