Thành phố muôn vị

Những ngày này, nếu đi dọc nhiều tuyến đường, khu chợ ở quận Gò Vấp, TPHCM, không ngạc nhiên khi thấy các cửa hàng bày bán đủ các loại hoa, trái đặc sản của miền Bắc. Nếu ở sạp hoa là những bó loa kèn cuối mùa thì bên sạp trái cây, những trái mơ, mận hay vải phía Bắc đã xuất hiện.

Mận hậu Mộc Châu được bày bán tại chợ Căn cứ 26

Chợ Tân Sơn Nhất, chợ Căn cứ 26 được xem là “thủ phủ” của đặc sản miền Bắc. Nhiều người Bắc vào Nam lập nghiệp vẫn truyền tai nhau, thèm bất cứ món ăn mang phong vị nào của quê nhà cứ đến 2 khu chợ này đều có đủ. Đặc biệt, mùa này, mận Hà Nội dù chưa vào chính vụ nhưng khắp các sạp hàng đã bày bán đủ cả. Những trái mận còn lớp phấn trắng nhẹ, thậm chí cả lá xanh được phân loại lớn nhỏ, bày biện xếp gọn gàng, đẹp mắt. Hàng tuyển loại 1 có giá hơn 100.000 đồng/kg, trong khi loại 2, loại 3 đủ mức giá khác nhau, dao động từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng. Từ cuối tháng 4 đến tháng 6, tháng 7, mận và vải là 2 loại trái cây xuất hiện dày đặc ở những khu chợ này, chiều lòng nhu cầu của khách. Trước mùa mận là mùa mơ chín vàng với đặc sản mơ má đào, mơ chùa Hương.

Những khu chợ mang đặc trưng vùng miền nói trên không phải là cá biệt ở TPHCM. Là đất lành của cư dân từ mọi miền đất nước, các dòng chảy văn hóa khác nhau cùng đổ về mưu sinh, lập nghiệp, TPHCM có thể xem là nơi hội tụ muôn vị muôn phương. Trên khắp các tuyến phố ở khắp các quận huyện, có thể dễ dàng bắt gặp vô số cửa hàng bán các đặc sản vùng miền, từ cốm tươi Hà Nội, phở bò Nam Định, chả mực Hạ Long, nem chua Thanh Hóa, hay cả thịt trâu gác bếp Tây Bắc, món nào cũng có.

Là những người con miền Trung, không ai không biết đến khu vực Bàu Cát, Đồng Đen, hay chợ Bà Hoa (quận Tân Bình). Nơi đây, muốn thưởng thức món đặc sản nào từ: mì Quảng, bánh đập, ốc ruốc, chả bò, bún mắm nêm, bánh xèo, bánh bèo, bánh bột lọc… đều đủ cả, mà hương vị gần như được giữ vẹn nguyên. Ấy là chưa kể, muốn mua các đặc sản miền Tây giữa lòng TPHCM còn dễ hơn trở bàn tay khi hầu như tuyến phố, khu chợ nào cũng bày bán. Thậm chí, giữa nhịp sống hối hả và tấp nập giữa lòng thành phố, đâu đó xuất hiện thấp thoáng những khu chợ nổi, dù chỉ gồm vài ghe xuồng bán các loại trái cây, điển hình như ở khu vực Kênh Tẻ (quận 7).

Trải qua bao mùa mưa nắng, những hàng quán, những con phố, những khu chợ sầm uất từ khắp ba miền vẫn bền bỉ tồn tại, ghi dấu ấn trong lòng người dân TPHCM. Hương vị thơm ngon của những món ăn, thức quà đặc sản, đặc trưng của các vùng miền trên những con phố; âm thanh náo nhiệt của những khu chợ sầm uất đã hòa quyện vào mạch sống hiện đại, tạo nên một bản sắc riêng biệt cho đô thị phương Nam này. TPHCM đã trở thành quê hương của những người con xa quê, tha phương lập nghiệp, nơi họ tìm thấy sự mến khách, sự phóng khoáng và sự hòa hợp. Và, tự bao giờ, tất cả đã trở thành một phần của thành phố theo cách thật tự nhiên, như từng nhánh sông nhỏ cùng hòa vào một dòng, được ôm ấp và chở che.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thanh-pho-muon-vi-post738438.html