Tạo hành lang pháp lý cho đường sắt tốc độ cao phát triển

Cần tạo hành lang pháp lý cho đường sắt tốc độ cao phát triển; trong đó, ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Quang cảnh hội thảo do Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần EY Việt Nam tổ chức chiều 13/5. Ảnh: BNEWS phát

Dù đã được quy định trong Luật Đường sắt 2017 nhưng đường sắt tốc độ cao vẫn là lĩnh vực mới. Vậy nên, cần tạo hành lang pháp lý cho đường sắt tốc độ cao phát triển; trong đó, ngân sách Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong đầu tư đường sắt tốc độ cao.

Đây là nội dung được ghi nhận tại Hội thảo tổng kết Dự án những kinh nghiệm quốc tế tốt hỗ trợ Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi) do Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức chiều ngày 13/5 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, Luật Đường sắt 2017 đã có quy định về đường sắt tốc độ cao nhưng chưa thực hiện được. Hội thảo là dịp để các cơ quan chuyên môn đánh giá, nhìn nhận kinh nghiệm thực tiễn của các nước, để có thể áp dụng vào văn bản pháp luật của Việt Nam, từ đó có được hành lang pháp lý đầy đủ hơn để phát triển đường sắt nói chung, đường sắt tốc độ cao nói riêng.

Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cố vấn cao cấp của dự án, dự thảo Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi) cần có các quy định pháp luật cụ thể, có hành lang pháp lý là cơ sở để phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, từ huy động nguồn lực, đầu tư, xây dựng, đến vận hành và đảm bảo an toàn gắn với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Đạt Tường, chuyên gia tư vấn dự án của Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, tại dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) cần làm rõ vai trò của Nhà nước trong bố trí vốn đầu tư cho đường sắt tốc độ cao; chủ thể và vai trò của các chủ thể trong quản lý đường sắt tốc độ cao cũng như về các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt. Chuyên gia Martin Baggott cho biết, hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã có các quy định và thành lập các cơ quan đặc thù nhằm triển khai các quy định về thu hồi đất và các vấn đề khác, đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn đầu phát triển dự án đường sắt tốc độ cao. Nguồn vốn nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong đầu tư đường sắt tốc độ cao và được quy định rõ trong luật ở các quốc gia này. Đơn cử, tại Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Shinkansen; trong đó, quy định rõ việc đóng góp của chính quyền địa phương vào chi phí đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao. Trong khi đó, chi phí đầu tư phương tiện thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí của hệ thống đường sắt tốc độ cao và gần như 100% được sở hữu (hoặc cho thuê lại) bởi các doanh nghiệp vận hành, quản lý và khai thác đường sắt. Trên thế giới hiện nay, 4 phương pháp chính để huy động vốn cho cơ sở hạ tầng đường sắt gồm: nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua cấp phát ngân sách trực tiếp, cho vay hoặc cả hai; Chính phủ và nguồn vốn góp của thành viên liên doanh, trong một số trường hợp có thể kết hợp với bên thứ ba; phương thức đối tác công tư PPP theo mô hình nhượng quyền; phương thức đối tác công tư PPP theo mô hình thanh toán dựa trên chất lượng dịch vụ. Theo các chuyên gia, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mô hình PPP trong đầu tư đường sắt tốc độ cao phần lớn chưa thành công. Trong khi đó, đối với Việt Nam, việc huy động vốn từ nguồn tài trợ tư nhân cho các tuyến đường sắt tốc độ cao có thể khó khả thi và sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể từ nguồn ngân sách Trung ương và tham gia địa phương. Chuyên gia Martin Baggott khuyến nghị Việt Nam nên đề xuất, rà soát, bổ sung tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) quy định vai trò của Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao; quy định về huy động nguồn lực của Trung ương và sự tham gia của địa phương trong đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát các quy định hiện hành về đầu tư để đảm bảo thống nhất thực hiện các cơ chế khuyến khích phát triển đường sắt như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các nghị định về quản lý sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Hiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan chủ trì tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo đúng quy định. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ, các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và đang chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ. Dự án Luật Đường sắt 2017 (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025./. Diệp Anh

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-cho-duong-sat-toc-do-cao-phat-trien/332980.html