Tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường
Các chuyên gia nhận định cuộc họp ngày 24/3 sẽ thảo luận kế hoạch tăng cường viện trợ cho Ukraine, trong khi tránh những quyết định có thể khiến NATO xung đột trực tiếp với Nga.
Thông cáo chính thức của NATO cho biết nội dung cuộc họp sẽ tập trung phân tích và đánh giá về hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine, khẳng định sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trước nguy cơ an ninh mới.
NATO cũng cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự trực tiếp hội nghị ngày 24/3. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh châu Âu và Mỹ cần sát cánh cùng nhau trong thời điểm quan trọng hiện nay.
Theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể kết thúc bằng cam kết tăng cường viện trợ vũ khí và nhân đạo cho Ukraine, nhưng các biện pháp quyết liệt hơn có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Moscow sẽ không được thông qua.
Lập trường hiện tại của NATO
Cho đến nay, NATO vẫn cân bằng được giữa việc hỗ trợ kinh tế, vũ khí cho Ukraine mà không phải đối đầu với Nga, theo Global News.
Các chuyên gia đánh giá một trong những mục tiêu tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 24/3 sẽ đảm bảo viện trợ thêm vũ khí, nhu yếu phẩm cho Ukraine, mà vẫn giữ cho NATO tránh xa khỏi nguy cơ đụng độ với Moscow.
“Sẽ có một vài quốc gia gần gũi với Ukraine cảm thấy NATO phải làm nhiều hơn và nên có những bước đi quyết liệt hơn. Điều này có thể gây ra bất đồng trong liên minh”, Timothy Andrew Sayle, giám đốc chương trình quan hệ quốc tế tại Đại học Toronto, cho biết.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẽ không đưa quân vào lãnh thổ Ukraine, mà chỉ tăng cường lực lượng ở các nước Đông Âu và đặt trong thế sẵn sàng chiến đấu, theo AFP.
Vấn đề nào sẽ được thảo luận?
Ngoài các biện pháp hỗ trợ Ukraine, những bất đồng hiện tại cũng dự kiến được thảo luận ở cuộc họp thượng đỉnh ngày 24/3 trước khi các bên đạt được đồng thuận, theo ông Sayle.
Một trong số đó là việc Ba Lan muốn chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 thông qua căn cứ Mỹ đặt tại Đức. Các quan chức Mỹ cho rằng việc chuyển giao MiG-29 cho Ukraine để tăng cường phòng thủ có thể bị xem như hành động khiêu khích trực tiếp Moscow và leo thang căng thẳng.
Bên cạnh đó, Ba Lan cho biết nước này sẽ tiếp tục ủng hộ lập trường gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine với mục đích phòng thủ và hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ bị phần đông thành viên NATO từ chối, các chuyên gia quốc phòng cho hay. Ngoài ra, thiết lập vùng cấm bay là điều mà Mỹ hay các thành viên NATO không thể chấp nhận.
Do đó, vấn đề được đặt ra là liệu liên minh quân sự có gửi khí tài hiện đại hơn đến Ukraine hay không, bên cạnh những loại vũ khí NATO đã viện trợ.
Allen Sens, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học British Columbia, nói rằng đã có những cuộc thảo luận về việc chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng không tầm xa, cũng như loại vũ khí chống tăng mạnh hơn.
“Vấn đề lúc này là tìm những vũ khí mà người Ukraine đã được huấn luyện sử dụng. Nếu muốn vũ khí hiện đại hơn thì sẽ tốn thêm thời gian huấn luyện. Tôi nghĩ việc làm thế nào để vận chuyển nhiều vũ khí hiện đại và huấn luyện binh sĩ nhanh chóng sẽ được đưa ra thảo luận”, ông Sens nói.
Điều 5 của NATO là gì?
Chính quyền Biden cho biết sẽ tuân thủ các cam kết của Điều 5 NATO bằng hành động tăng cường lực lượng đến các nước thành viên NATO ở cánh đông.
Điều 5 của NATO ghi rõ bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một nước NATO sẽ đồng nghĩa với việc tấn công vào tất cả thành viên NATO, và các bên sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể được công nhận trong Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Các nước NATO sẽ thực hiện các biện pháp mà họ cho là cần thiết để hỗ trợ nước bị tấn công, bao gồm sử dụng quân đội.
Tuy vậy, Điều 5 không nêu rõ các bên sẽ hỗ trợ như thế nào khi có một cuộc tấn công. Các nước không nhất thiết phải sử dụng lực lượng vũ trang. Do đó việc quyết định mức độ hỗ trợ về quân sự hay kinh tế, chính trị tùy thuộc vào đánh giá của mỗi thành viên.
Website của NATO cũng thừa nhận có những bất đồng khi các bên soạn thảo Điều 5 ở cuối những năm 40 thế kỷ trước.
“Khi soạn thảo Điều 5, đã có đồng thuận về nguyên tắc tương trợ lẫn nhau, nhưng tồn tại những bất đồng cơ bản về cách thực hiện cam kết này. Châu Âu muốn Mỹ đảm bảo sẽ mặc định hỗ trợ nếu một nước thành viên bị tấn công, nhưng Washington không muốn có thêm cam kết và nói rằng mọi nguyên tắc đã được đưa ra trong Điều 5”, NATO cho hay.
Lần duy nhất Điều 5 được kích hoạt
Một chi tiết quan trọng khác là mọi quyết định của NATO chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của toàn bộ 30 nước thành viên. Do đó, Điều 5 trên thực tế khó đạt đồng thuận, thay vào đó mang tính phòng ngừa, răn đe trước những đe dọa tiềm tàng đến các nước NATO, theo Economist.
Sau 52 năm thành lập, NATO mới lần đầu kích hoạt Điều 5 sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Mỹ. Đó cũng là lần duy nhất cho đến nay liên minh này viện dẫn Điều 5 để triển khai quân đội.
Chưa đầy 24 tiếng sau cuộc tấn công, Tổng thư ký NATO lúc đó là ông Lord Robertson đã báo cáo Liên Hợp Quốc về việc viện dẫn Điều 5. NATO đã tiến hành các chiến dịch dựa trên 8 biện pháp hỗ trợ Washington, bao gồm chia sẻ tin tình báo, hỗ trợ những cơ sở phục vụ chống khủng bố, chia sẻ hải cảng và sân bay hỗ trợ khí tài quân sự của thành viên NATO,...
Tháng 10/2001, NATO có lần đầu tiên triển khai quân đội hỗ trợ các chiến dịch theo Điều 5, với việc điều các máy bay radar (AWACS) của NATO, được mệnh danh là “đôi mắt của bầu trời”, làm nhiệm vụ tuần tra trên khắp không phận Mỹ.
Ngoài ra, NATO cũng ra lệnh cho lực lượng hải quân thường trực tuần tra ở Đông Địa Trung Hải, và mở rộng ra toàn bộ Địa Trung Hải trong năm 2004. Chiến dịch này nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khủng bố, bao gồm buôn bán trái phép.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-diem-cua-hoi-nghi-thuong-dinh-nato-bat-thuong-post1304558.html