Tại sao Ukraine vẫn phụ thuộc vào hệ thống tên lửa phòng không Mỹ?
Ukraine chưa tìm được giải pháp thay thế hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Khả năng của Ukraine trong việc bắn hạ máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình đã cải thiện đáng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Tuy nhiên, dù ngành sản xuất vũ khí của nước này đã có nhiều tiến bộ trong ba năm qua, Ukraine vẫn không sản xuất được vũ khí nào tương đương với hệ thống tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất để đánh chặn tên lửa đạn đạo trên không.
Giải pháp duy nhất trong thời điểm hiện tại để đối phó với các đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo vẫn là tiếp tục nhận viện trợ tên lửa Patriot từ các nước đồng minh, theo tờ Kyiv Independent.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Đức vào năm 2024. Ảnh: GETTY IMAGES
Năng lực phòng thủ của Ukraine suy giảm
Tên lửa đạn đạo là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với bất kỳ hệ thống phòng không nào vì chúng bay theo quỹ đạo parabol cao, xa mặt đất, rồi lao xuống mục tiêu với vận tốc gấp nhiều lần tốc độ âm thanh.
Để đánh chặn tên lửa đạn đạo khi đang bay, cần sự chính xác tuyệt đối cả trong việc phát hiện tên lửa đang đến lẫn trong khâu phóng và điều hướng hệ thống phòng không. Tên lửa hành trình và UAV thì bay chậm hơn và ở độ cao thấp hơn, tạo điều kiện cho các hệ thống phòng không mặt đất có thêm thời gian để bắn hạ.
“Phòng thủ trước tên lửa đạn đạo khác biệt hoàn toàn so với việc đối phó các mối đe dọa bay ở tầm thấp như UAV và tên lửa hành trình. Đối với phòng thủ tên lửa đạn đạo, hoàn toàn không có đường tắt” - chuyên gia tên lửa Fabian Hoffmann thuộc Dự án Hạt nhân Oslo nhận định.
Hệ thống tên lửa phòng không mà Mỹ cung cấp cho Ukraine thể hiện tính hiệu quả trong đánh chặn tên lửa đạn đạo, đặc biệt khi đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo như Kinzhals và Iskanders của Nga.
“Mỹ làm chủ được công nghệ đó vì họ buộc phải làm vậy. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ hoạt động dựa trên giả định rằng họ sẽ luôn kiểm soát được không phận nơi diễn ra chiến sự. Điều đó có nghĩa là mối đe dọa trên không đáng ngại duy nhất mà họ thực sự phải lo là các loại vũ khí tấn công từ xa như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình” - ông Hoffmann nói thêm.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, viện trợ phòng không của Mỹ cho Ukraine đã chậm lại. Lô Patriot lớn cuối cùng được chuyển đến là trong tuần sau lễ nhậm chức của ông Trump, gồm 90 tên lửa đánh chặn cho Patriot được điều chuyển từ Israel.
Ukraine giữ bí mật rất chặt chẽ về các chương trình tên lửa nói chung và hệ thống phòng không nói riêng. Tuy nhiên, dựa trên những con số hiện có, Kyiv Independent cho rằng tình hình đang ngày càng nghiêm trọng.
Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về các đợt chuyển giao Patriot còn lại. Một người phát ngôn Lầu Năm Góc nói với Kyiv Independent rằng “Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp thiết bị cho Ukraine từ các gói đã được phê duyệt trước đó”.
Các nước EU từng chia sẻ Patriot với Ukraine thì nay đã cạn phần lớn kho dự trữ và đang tìm mua thêm tên lửa mới.
Trong khi đó, Nga đã đẩy mạnh sản xuất tên lửa đạn đạo ở mức độ đáng kể. Dù Ukraine từng tuyên bố Nga sắp cạn Iskander trong giai đoạn đầu chiến tranh, nhưng sản lượng nay đã hồi phục, đạt “khoảng 40 đến 50 tên lửa Iskander mỗi tháng”, ông Andriy Yusov, đại diện Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, phát biểu hồi tháng 12-2024.
Nga đang phóng nhiều Iskanders hơn, trong khi Ukraine lại ngày càng kém hiệu quả trong việc đánh chặn.
Theo thống kê của Không quân Ukraine, hiệu quả phòng không trước tên lửa đạn đạo đã giảm mạnh trong vài tháng gần đây. Trong tháng 4, Ukraine ghi nhận tổng cộng 22 tên lửa đạn đạo được phóng tới, phần lớn là Iskander. Không quân cho biết đã bắn hạ 8 tên lửa, trong đó 7 tên lửa bị đánh chặn trong một đợt tấn công lớn vào thủ đô Kiev.
Ukraine có gì và cần gì?

Một đơn vị đánh chặn tên lửa PAC-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thương lượng để có thêm hệ thống Patriot. Ukraine cũng không thể tự phát triển một hệ thống Patriot hiện đại hay tên lửa PAC-3 (tên lửa dùng trong Patriot) trong nước.
“Phát triển hệ thống tên lửa phòng không rất tốn kém và mất thời gian” - ông Michael Duitsman, chuyên gia tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin thuộc Viện Middlebury (Canada), nhận định.
“Hệ thống này là một tổ hợp gồm nhiều hệ thống: tên lửa, bệ phóng, radar, máy tính, phần mềm, giao diện người dùng,… Mỗi thành phần đều cần được thiết kế, nguyên mẫu hóa, kiểm thử, và tất cả phải hoạt động ăn khớp, ổn định trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt. Quá trình này có thể mất nhiều năm để thử nghiệm và gỡ lỗi” - ông Duitsman bổ sung.
Hệ thống phòng không trong nước của Ukraine hiện chủ yếu dựa vào các bệ phóng tên lửa còn sót lại từ thời Liên Xô, đặc biệt S-200 và S-300. Sau Liên Xô, Nga đã nâng cấp S-300 lên thành S-400 - được cho là có năng lực bắn hạ tên lửa đạn đạo tốt hơn. Phiên bản S-500, được giới thiệu là tương đương hơn với Patriot mới nhất, vẫn đang trong quá trình phát triển nhiều năm qua.
Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga - ông Valeriy Gerasimov tuyên bố đơn vị S-500 đầu tiên đã thành lập vào tháng 12-2024.
Trước chiến tranh, Ukraine từng phát triển một phiên bản nâng cấp S-300 gọi là SD-300. Theo tài liệu quảng bá, hệ thống này vẫn dùng đầu đạn nổ, nghĩa là vẫn dựa vào cơ chế phát nổ phân mảnh - một công nghệ đã bị các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo tiên tiến vượt mặt.
Việc chế tạo phần cứng của các tên lửa phòng thủ chống tên lửa đạn đạo mất nhiều năm. Tuy nhiên, các cải tiến phần mềm lại là phương án nâng cao hiệu quả S-300 với chi phí thấp hơn. Ngoài ra, việc nhập khẩu thêm radar tiên tiến cũng có thể giúp tăng hiệu quả.
Thế nhưng, Ukraine hiện cũng đang cạn dần đạn cho cả hệ thống SAMP-T, S-300 và Patriot. Các nhà máy vốn từng được đánh giá là có khả năng sản xuất thêm đạn dược hay nâng cấp S-300 trước chiến tranh thì nay lại là mục tiêu bị Nga không kích thường xuyên.
Ukraine hiện mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn: nước này cần phòng không để bảo vệ các nhà máy, trong khi chính các nhà máy đó lại là nơi có thể sản xuất tên lửa phòng không.
Chuyên gia Hoffmann cho rằng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo trong nước là điều quá xa vời so với năng lực nghiên cứu – phát triển của Ukraine trong thời chiến.
Điều khiến tên lửa Patriot trở nên đặc biệt
Hiện nay, Ukraine phụ thuộc vào hai loại tên lửa Patriot chính: PAC-2 và PAC-3.
Hãng Raytheon sản xuất hệ thống mặt đất, bệ phóng và tên lửa PAC-2, vốn chủ yếu dùng để bắn hạ tên lửa hành trình. Trong khi đó, Lockheed Martin chịu trách nhiệm sản xuất tên lửa PAC-3, được xem là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo tốt nhất trên thị trường quốc tế.
Ngoài Patriot, các đơn vị phòng không khác ở Ukraine bao gồm: S-300 thời Liên Xô, NASAMS của Na Uy, IRIS-T của Đức, SAMP/T của Pháp-Ý.
Điểm đặc biệt của PAC-3 là thiết kế theo nguyên lý “hit-to-kill” (đâm trúng để phá hủy). Các tên lửa phòng không truyền thống thường nổ gần mục tiêu, tạo ra mảnh văng phá hủy máy bay, UAV hoặc tên lửa đối phương. Nhưng PAC-3 thì không dùng đầu đạn nổ, mà lao thẳng vào mục tiêu để tiêu diệt bằng va chạm trực tiếp.
Một tài liệu do Lockheed Martin cung cấp cho biết phương thức hit-to-kill hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt không chỉ tên lửa đối phương mà cả đầu nổ hoặc chất hóa học bên trong tên lửa đó.
Do không chứa thuốc nổ, PAC-3 nhẹ hơn, nhỏ hơn và cơ động hơn so với PAC-2. Nhờ vậy, một bệ phóng Patriot có thể chứa tới 16 tên lửa PAC-3, so với chỉ 4 PAC-2.
Công nghệ dẫn đường chính xác để “hit-to-kill” là tương đối mới. Tính đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất xuất khẩu công nghệ hit-to-kill. Trung Quốc được cho là có hệ thống tương tự (HQ-19), nhưng thông tin công khai còn rất hạn chế.