Tại sao MiG-35 hiện đại của Nga không tham gia chiến đấu ở Ukraine?

Tiêm kích hiện đại MiG-35 bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt với radar mảng pha AESA phát hiện máy bay tàng hình F-22 ở cự ly 80 dặm; nhưng tại sao chưa tham gia chiến đấu ở chiến trường Ukraine?

Tập đoàn Mikoyan cho biết, trong vài tuần gần đây, việc sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu MiG-35 của Nga ngày càng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Trên thực tế, đây không phải là một phỏng đoán, mà là một sự khởi động lại những công bố chính thức về việc Nga sẽ sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu hạng trung MiG-35.

Minh chứng cho điều này là trong triển lãm quân sự quốc tế Aero India-2023 tại Ấn Độ vừa qua, Giám đốc điều hành của United Aircraft Corporation (UAC), ông Yuri Slyusar đã thông báo về việc sản xuất hàng loạt MiG-35 mới.

Theo các chuyên gia Nga, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga lo ngại rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn, Không quân Nga sẽ không có đủ máy bay chiến đấu. Các chuyên gia Nga cho biết, chính vì lý do này mà UAC quyết định tiếp tục sản xuất hàng loạt MiG-35.

Thông thường, bất kỳ lực lượng không quân hiện đại nào thường biên chế 1/3 máy bay hạng nặng và 2/3 máy bay chiến đấu hạng trung/nhẹ. Đây thực sự là một yếu tố quan trọng đảm bảo trực tiếp cho sự thành công của lực lượng không quân. Chính vì lý do này mà UAC đang hồi sinh các máy bay chiến đấu MiG-35.

Máy bay chiến đấu hạng nặng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu phức tạp nhất, thậm chí cả những nhiệm vụ phi tiêu chuẩn. Còn máy bay chiến đấu hạng trung/nhẹ thực sự có mặt ở khắp mọi nơi; chúng thực hiện phần lớn các nhiệm vụ và có thể được đưa vào bất cứ lúc nào khi cần thiết.

Hiện chưa có kế hoạch giao MiG-35 trong năm nay cho Không quân Nga; theo các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông Nga, việc giao MiG-35 được lên kế hoạch vào năm 2024. Nhưng vẫn chưa có thông tin về số lượng MiG-35 mà Không quân Nga muốn mua.

Hiện có sáu chiếc MiG-35 đã được sản xuất hàng loạt và được chuyển giao cho đội nhào lộn trên không Swifts; còn hai chiếc MiG-35 nữa được sản xuất, nhưng chúng chỉ là nguyên mẫu dùng cho nhiệm vụ thử nghiệm.

Câu hỏi đặt ra là liệu MiG-35 có đủ sức đối đầu với tiêm kích phương Tây? Có thể khẳng định MiG-35 thực sự có nhiều ưu điểm. Đầu tiên, có thể dễ dàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí mới nhất nào cho các máy bay chiến đấu hạng trung/nhẹ được hiện đại hóa, vì MiG-35 được thiết kế theo nguyên tắc "kiến trúc mở", cho phép sử dụng vũ khí hiện đại trong thời gian ngắn nhất có thể.

Thứ hai, MiG-35 sẽ được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AM. Tại sao radar AESA lại quan trọng? Bởi vì theo chiến thuật không chiến hiện đại, đó là phát hiện đối phương trước, bắn trước và thoát ly nhanh.

Theo một số thông tin, radar Zhuk-AM có khả năng phát hiện bất kỳ mục tiêu nào trên không với diện tích phản xạ radar (EPR) khoảng 5 m² ở khoảng cách khoảng 225 km. Như vậy, với mục tiêu là máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ có EPR 0,5 m², sẽ bị radar Zhuk-AM trên MiG-35 phát hiện ở khoảng cách 126 km.

Những “chú chim” cũ hơn của Mỹ như F-15, F-16, F-18, sẽ bị radar Zhuk-AM trên MiG-35 phát hiện từ khoảng cách 200 km. Nhìn chung, chức năng của radar Zhuk-AM tương tự như khả năng của radar APG-83 SABR mới nhất, được trang bị trên chiến đấu cơ F-16 Falcon.

Nhiều chuyên gia phương Tây cũng cho rằng, MiG-35 là loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga mà họ đã ngừng sản xuất. Mặc dù thông tin về nó chủ yếu là theo thông số kỹ thuật, nhưng chúng không thể bỏ qua.

MiG-35 có thể theo dõi tới 30 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. MiG-35 đã được ấn phẩm 19fortyfive của Mỹ mô tả là một "sức mạnh trí tuệ". Tức là máy bay có thể dễ dàng tích hợp để hoạt động độc lập với các nền tảng không quân và máy bay chiến đấu khác của Không quân Nga; tương đương như chiến đấu cơ thế hệ 5 (MiG-35 là thế hệ 4++).

MiG-35 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 nhờ được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33MK với bộ đốt sau. Nó có thể bay ở độ cao lên tới 20.000 mét và khung máy bay được thiết kế để chịu được 9G ở giới hạn dương và 3G m ở giới hạn âm.

MiG-35 nếu tham chiến ở chiến trường Ukraine sẽ phát huy tốt lợi thế, khi nó hoàn toàn phù hợp để có thể tiêu diệt trực tiếp các mục tiêu như xe tăng, xe bọc thép và pháo hạng nặng.

MiG-35 có thể sử dụng bom dẫn đường và bom thường, tên lửa không đối không và không đối đất, cùng một khẩu pháo 30 mm có tính sát thương cao. MiG-35 có thiết bị tác chiến điện tử tích hợp, khiến nó siêu thích hợp để tấn công các hệ thống phòng không của đối phương.

Các chuyên gia phương Tây đánh giá khả năng cơ động của MiG-35 ở mức “A”; tức là nó có khả năng “siêu cơ động”. MiG-35 có thể thực hiện các nhiệm vụ ở các góc tấn công “siêu tới hạn” mà không gặp bất kỳ sự cố nào ở mức quá tải G, cũng như góc nghiêng ở mức độ cao.

Hiện Nga đang có một dự án rất thú vị, đó là chiến đấu cơ tàng hình hạng nhẹ Su-75 Checkmate. Tại sao Nga lại không phát triển? Trên thực tế, Su-75 vẫn đang trong quá trình phát triển, nhưng không nhanh như người Nga mong muốn.

Tuy nhiên, Su-75 là một chiến đấu cơ “rất có tương lai”, ngoài thiết kế một động cơ, radar mạnh hơn và công nghệ tàng hình, chiếc máy bay tàng hình hạng nhẹ này hoàn toàn thực hiện được các nhiệm vụ giống như MiG-35. Nhưng hiện tại không biết khi nào nó sẽ được thử nghiệm và được đưa vào sản xuất loạt.

Đó là lý do tại sao các chuyên gia địa phương của Nga tin rằng, Moscow đang đưa ra quyết định đúng đắn khi tăng cường phi đội không quân bằng MiG-35. Những máy bay chiến đấu MiG-29/MiG-35 của Nga chỉ có thể được cho loại biên, khi ít nhất có khoảng một trăm chiếc Su-75 được đưa vào sử dụng; như vậy ngày đó chắc còn rất xa.

Video giới thiệu chiến đấu cơ MiG-35 của Nga. Nguồn Bulgarianmilitary

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tai-sao-mig-35-hien-dai-cua-nga-khong-tham-gia-chien-dau-o-ukraine-1855917.html