Tai nạn lao động và những hệ lụy

Không đất, thiếu tư liệu sản xuất, bệnh tật kéo dài, lâm vào cảnh nợ nần, nghèo khó, nhiều lao động nông thôn tìm kiếm việc làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, với hy vọng đổi đời, ước mong có cuộc sống no đủ hơn. Thực tế, có nhiều lao động siêng năng, chịu khó, chi tiêu hợp lý, đã cải thiện được đời sống, vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp đối mặt với rủi ro, bất trắc trong quá trình đi làm việc, để lại những câu chuyện buồn thương, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cơn mưa đầu mùa cuối tháng 4 dương lịch giúp xua đi cái nóng oi bức, nhưng không thể xua tan nỗi buồn chưa nguôi trong ngôi nhà ông Trần Văn Dẫn, 59 tuổi, ấp Tân Quảng Tây, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Ngồi trên bộ bàn cũ, ông Dẫn đưa mắt về phía bàn thờ vợ và con trai, rồi nhìn 3 đứa cháu nội thơ ngây, ứa nước mắt, giọng nghẹn khi kể lại chuyện cũ: "Dù gia đình có 10 công đất vuông nhưng vợ tôi bị bệnh, vuông thất kéo dài, phải vay nợ trang trải chi phí. Thấy mọi người ở xóm đi làm ngoài tỉnh có thu nhập khá, tôi hỏi thăm rồi cả nhà lên đó làm công nhân. Sau hơn 5 năm, với 3 lao động (tôi và vợ chồng con trai), tích góp được khoảng 100 triệu đồng. Con trai tôi bảo mang về quê cất lại ngôi nhà, nó đi học thêm bằng lái xe ô tô, rồi từ từ chuyển về quê tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Nhưng không ngờ sự việc đau lòng ập đến, tháng 6/2020, con trai tôi bị tai nạn giao thông khi trên đường đi nhận bằng lái ô tô. Bao nhiêu dự định, ước mơ vụt tắt từ đó, một năm sau, vợ nó cũng bỏ nhà đi, để lại 3 đứa cháu nội thơ dại, khi ấy đứa lớn nhất chỉ mới lên 8 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 14 tháng tuổi. Tôi giờ tuổi cao, sức khỏe kém, chỉ có thể làm thuê kiếm sống qua ngày. Không biết rồi đây tương lai các cháu sẽ ra sao!"...

Ông Trần Văn Dẫn và các cháu lâm vào cảnh khốn khó sau tai nạn làm ông mất đi người con trai trụ cột của gia đình.

Ông Trần Văn Dẫn và các cháu lâm vào cảnh khốn khó sau tai nạn làm ông mất đi người con trai trụ cột của gia đình.

Như những cô gái ở quê, chị Võ Kim Chúc, ấp Tân Quảng B, xã Nguyễn Việt Khái lập gia đình khá sớm, lần lượt 3 đứa con thơ ra đời, cuộc sống trở nên khó khăn nên quyết định đi lao động ở Bình Dương với hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, với đồng lương ít ỏi, chi phí thuê nhà, ăn uống và cho các con học tập cũng chỉ vừa đủ. Sóng gió cuộc đời xảy đến khi dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng chồng chị Chúc, thời điểm cuối năm 2021. Chị Chúc nhớ lại: "Chồng chết, dịch bệnh bao vây, 3 con nhỏ dại, tôi rơi vào thế tuyệt vọng, cầu cứu chính quyền địa phương, trực tiếp là cô An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nguyễn Việt Khái, nhờ đó mẹ con tôi mới được trở về quê nhà an toàn. Nhờ mạnh thường quân góp sức giúp 2 lần xây dựng nhà, Hội LHPN xã kết nối việc làm, vận động tập sách giúp các con đến trường, mẹ con tôi dần ổn định như hôm nay. Thật sự rất biết ơn những ân nhân đã giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời".

Chị Võ Kim Chúc từng lâm vào cảnh khốn cùng khi lao động ở tỉnh Bình Dương, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Nay chị là thành viên Tổ hợp tác may ấp Cái Ðôi Nhỏ và làm thêm nghề vá lưới để nuôi 3 con ăn học.

Chị Võ Kim Chúc từng lâm vào cảnh khốn cùng khi lao động ở tỉnh Bình Dương, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Nay chị là thành viên Tổ hợp tác may ấp Cái Ðôi Nhỏ và làm thêm nghề vá lưới để nuôi 3 con ăn học.

Chị Nguyễn Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, hiện đang nhận làm mẹ đỡ đầu cho 3 cháu gái ông Dẫn và hơn 33 trường hợp trẻ mồ côi khác trên địa bàn xã Nguyễn Việt Khái. Chị tâm tình: "Trong số 36 đứa con được đỡ đầu, gần như tập hợp đầy đủ những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. Có 5 đứa mồ côi cha hoặc mẹ do dịch Covid-19 khi đi làm công nhân ngoài tỉnh; số còn lại đứa thì mất cha hoặc mẹ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông khi làm công nhân trong và ngoài tỉnh; có trường hợp không còn cha, mẹ sống cùng ông, bà cao tuổi, cuộc sống vô cùng khó khăn... Tất cả rất đáng thương, trong khả năng của mình, cùng trợ lực của chính quyền địa phương, mạnh thường quân, tôi cố gắng tìm mọi cách để chia sẻ, bù đắp phần nào mất mát về vật chất lẫn tinh thần cho các con".

Tương tự, gia đình anh Mai Thanh Phong, ấp Tân Phong B, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, chỉ có 3 công đất vuông. Ðất ít, sản xuất kém hiệu quả, gia đình anh Phong trở thành hộ nghèo của ấp hơn 10 năm nay. Với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo, giữa năm 2022, vợ chồng anh Phong quyết định rời quê lên tỉnh Bình Dương tìm việc làm. Theo lời anh Phong, những tháng đầu tìm việc, lương ba cọc ba đồng, cuộc sống khó khăn, đến khi tìm được việc ổn định tại một công ty giấy (ở tỉnh Bình Dương), làm được khoảng 5 tháng thì xảy ra tai nạn. Vào tháng 2/2023, anh Phong bị máy cắt giấy cuốn cánh tay phải. May mắn thoát chết, nhưng đến nay vết thương ở cánh tay anh Phong vẫn chưa lành hẳn, thường xuyên đau nhức, cũng không thể làm việc nặng, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn vô cùng.

Từ lao động chính, khỏe mạnh, giờ đây anh Mai Thanh Phong mất sức lao động, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Từ lao động chính, khỏe mạnh, giờ đây anh Mai Thanh Phong mất sức lao động, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh), cho biết, năm 2023, tỉnh Cà Mau giải quyết việc làm cho 45.966 người (lao động trong tỉnh 15.274 người, ngoài tỉnh 30.221 người, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 471 người). Trong quá trình lao động, làm việc có những rủi ro, bất trắc không ai muốn và cũng không thể lường trước, do đó trước tiên người lao động cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân; các đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ tốt điều kiện đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc...

Nhân lễ phát động Tháng An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 vừa qua, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh, tai nạn lao động xảy ra sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất, tài sản, chi phí của doanh nghiệp. Ðề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải xem công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Cần phải đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát động phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Ðồng thời, kêu gọi anh chị em công nhân, viên chức, lao động và toàn thể Nhân dân quan tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn lao động, không để xảy ra tai nạn lao động; luôn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, từng bước làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, thích ứng nhanh với môi trường làm việc, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao...

Loan Phương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tai-nan-lao-dong-va-nhung-he-luy-a32696.html