Nông thôn Việt Nam: Khi ngày càng nhiều trẻ nông thôn lớn lên vắng cha mẹ

Do khoảng cách về thế hệ nên các em không chia sẻ hết những tâm tư, tình cảm, nỗi niềm với ông bà. Và cách giáo dục của ông bà cũng không phù hợp với các em. Cho nên đôi khi rất là khó khăn trong việc hình thành những nhân cách tốt đẹp cho các em. Các em dễ bị những người xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, sao nhãng học tập, thậm chí có những biểu hiện vi phạm pháp luật.

Những làn sóng người lao động rời nông thôn lên thành thị làm ăn hay đi xuất khẩu lao động đang để lại đằng sau số lượng ngày càng nhiều trẻ em thiếu vắng sự chăm lo của các bậc cha mẹ. Mặt tích cực của việc cha mẹ đi làm ăn xa đó là lợi ích kinh tế. Song, thực tế cho thấy, chất lượng cuộc sống của những trẻ em không có sự chăm lo, dạy dỗ của cha mẹ bị giảm sút ở nhiều khía cạnh.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, số liệu tổng hợp mới nhất từ 41/63 tỉnh thành năm 2023 cho thấy hơn 71.000 trẻ em ở nước ta không được sống cùng cha mẹ. Trong đó, gần 61.000 trẻ em phải sống xa cha mẹ từ 6 tháng khi vẫn có đầy đủ cả cha và mẹ.
Trẻ em ở nhà thiếu vắng sự chăm lo của cha mẹ đã trở thành một hiện tượng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Về lâu dài, những tác động từ hệ quả của làn sóng lao động di cư sẽ ngày càng trầm trọng và rõ nét hơn. Trong khi, hành lang chính sách cho các nhóm di cư đi làm ăn, nhất là di cư tự do, di cư mùa vụ, hiện nay ở nước ta còn rất hạn chế. Chính vì vậy, việc điều chỉnh chính sách để điều tiết làn sóng lao động di cư, cũng như cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho các lao động nhập cư là việc làm cần thiết và cần được quan tâm đúng mức hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nong-thon-viet-nam-khi-ngay-cang-nhieu-tre-nong-thon-lon-len-vang-cha-m-225794.htm