Số người mắc bệnh tim mạch tăng cao, bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả

Từ sau Tết Nguyên đán, người mắc bệnh tim mạch đến thăm khám tại Bệnh viện Trung ương Huế tăng cao. Bác sĩ cho rằng, bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng, mọi người cần thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa, bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

Bệnh tim mạch tăng đột biến

Bệnh nhân N.V.T. (82 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị) được chuyển vào Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) trong tình trạng đau ngực, khó thở suy hô hấp, ngừng tim. Sau 15 phút được các bác sĩ hồi sức tim phổi, ép tim và shock điện, bệnh nhân có mạch trở lại.

TS.BS Hồ Anh Bình can thiệp, cứu sống bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Kết quả đo điện tim, nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch lớn tim, nên các bác sĩ đã quyết định chụp mạch và can thiệp. "Quá trình can thiệp, bệnh nhân rối loạn nhịp, ngừng tuần hoàn nhiều lần nên êkíp vừa phải hồi sức vừa can thiệp. Rất may, bệnh nhân đã được can thiệp thành công. Sau một thời gian điều trị, tình trạng suy tim, nhồi máu cơ tim của bệnh nhân đã ổn định, được cho ra viện", TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch nói.

Trường hợp ông T. là một trong số rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim mạch được các y, bác sĩ Trung tâm Tim mạch can thiệp, cứu sống. TS.BS Hồ Anh Bình cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân đến thăm khám, làm thủ thuật can thiệp, phẫu thuật tim mạch tăng lên so với trước, trung tâm những ngày qua luôn trong tình trạng quá tải.

Bộ phận khám bệnh bình quân mỗi ngày tiếp đón 400 ca bệnh, nay tăng lên 600 ca; bệnh nhân can thiệp lúc cao điểm xử lý 25-30 trường hợp, nội khoa có ngày phục vụ 180 bệnh nhân (tăng 40 bệnh so với ngày thường, phẫu thuật 8-10 ca/ngày, danh sách chờ mổ cũng tăng lên).

Số bệnh nhân mắc bệnh tim mạch đến khám và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế thời gian qua tăng cao đột biến.

Theo TS.BS Hồ Anh Bình, có một thực tế, do xu hướng ngại đi khám, nhập viện vào dịp Tết nên người dân có tâm lý chờ ra Tết mới đến bệnh viện, do đó số lượng bệnh nhân đông hơn.

"Trung tâm tiếp nhận rất nhiều bệnh nặng, nguy kịch cần điều trị cấp cứu, phòng điều trị tích cực luôn trong tình trạng quá tải, kín giường. Trước tình hình ca bệnh tăng đột biến, chúng tôi phải tăng số phòng khám lên 12 phòng nhằm giảm áp lực, tăng máy siêu âm từ 4 lên 9 máy.

Ngoài ra, tổ chức cho các bác sĩ làm thêm ngoài giờ buổi trưa, chiều, tối, ngày thứ 7, thậm chí cả ngày chủ nhật nhằm giải quyết các trường hợp phát sinh. Bệnh nhân tăng đột biến, nhiều ca nặng, phức tạp do đó Khoa đang triển khai nhiều phương tiện chẩn đoán, kỹ thuật mới để giúp điều trị hiệu quả hơn", TS.BS Hồ Anh Bình nói.

Làm gì để phòng bệnh tim mạch?

TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch cho biết, hiện nay bệnh lý tim mạch tại Huế nói riêng cũng như Việt Nam nói chung ngày càng gia tăng. Tuổi thọ người dân tăng, bệnh lý tim mạch cũng tăng theo tuổi. Mặt khác, bệnh lý chuyển hóa tăng khiến cho người trẻ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn.

Bệnh lý tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi (ở Việt Nam khoảng sau 50 tuổi), tuy nhiên những năm gần đây, cùng với tỷ lệ tăng của các bệnh lý đái tháo đường, stress, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động... bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa, ngay cả người trẻ cũng có thể bị.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

"Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị tăng, nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40, thậm chí, trước tuổi 30 được ghi nhận với tình trạng rất nguy hiểm", TS.BS Hồ Anh Bình nói.

TS.BS Hồ Anh Bình đưa ra 10 lời khuyên theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh. Cụ thể, cần thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa, không nên ăn mặn.

Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch. Không hút thuốc lá, đây là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).

Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm cân nặng tăng lên và gây bệnh tăng huyết áp. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả...

TS.BS Hồ Anh Bình cho biết, khi có các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh lý tim mạch như đau thắt ngực sau xương ức, khó thở, đột ngột tê hoặc yếu nửa người cần nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay. Không nên bấm huyệt, xoa bóp vì sẽ làm chậm thời gian đến cơ sở y tế đồng nghĩa cơ hội điều trị sớm sẽ chậm lại.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-nguoi-mac-benh-tim-mach-tang-cao-bac-si-khuyen-cao-cach-phong-benh-hieu-qua-169240320093420524.htm