5 giai đoạn vàng phát triển nhân cách ở trẻ

Nuôi dạy con là một hành trình dài đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Hiểu được 5 giai đoạn vàng trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ sẽ giúp cha mẹ có cách nuôi dạy con phù hợp, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện và trở thành những người có ích cho xã hội.

Những năm tháng đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng hình thành nên nhân cách của trẻ (Ảnh: Pinterest)

Bước đầu tiên hình thành nhân cách ở trẻ em là một quá trình đầy kỳ diệu nhưng cũng không kém phần thử thách. Ngay từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã sở hữu tiềm năng phát triển não bộ vô cùng to lớn. Mặc dù kích thước não bộ của trẻ lúc này chỉ bằng một phần tư so với người trưởng thành. Tuy nhiên, kích thước não sẽ đạt đến gần 90% so với người trưởng thành vào năm 5 tuổi.

Điều đặc biệt là trẻ sơ sinh có đầy đủ các tế bào thần kinh (neuron thần kinh) cần thiết cho suốt cuộc đời. Tuy nhiên, điều then chốt quyết định khả năng hoạt động của não bộ chính là sự kết nối giữa các tế bào thần kinh này, được gọi là khớp thần kinh. Quá trình hình thành các khớp thần kinh diễn ra mạnh mẽ nhất trong 5 năm đầu đời thông qua sự tương tác của trẻ với môi trường xung quanh.

Cách thức mà não bộ được kết nối sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của trẻ, hay nói cách khác, chính là tính cách. Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản chất và thể chất của trẻ. Tuy nhiên, chất lượng trải nghiệm của bé trong những năm đầu đời cũng góp phần đáng kể trong việc hình thành tính cách. Do đó, những trải nghiệm này có tác động lâu dài đến sức khỏe, hạnh phúc, khả năng học hỏi và thành công của con trẻ trong tương lai.

5 giai đoạn vàng định hình nhân cách con trẻ

Cha mẹ hãy dành cho con những tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ tốt nhất để con có thể bước vào đời với một tâm hồn tươi sáng, một nhân cách hoàn thiện và một tương lai tươi sáng.

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud, 5 năm đầu tiên trong đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một người. Ông cho rằng, những trải nghiệm trong giai đoạn này, đặc biệt là mối quan hệ với cha mẹ, người thân và người chăm sóc, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, suy nghĩ và hành vi của trẻ sau này.

Erik Erikson, một trong những học trò nổi tiếng của Freud, đã phát triển thêm lý thuyết của Freud thành các giai đoạn cụ thể. Mỗi giai đoạn đều mang lại thách thức và cơ hội riêng để hình thành nhân cách của trẻ.

1. Giai đoạn sơ sinh (0-18 tháng)

Nuôi dưỡng niềm tin cho con từ nhỏ (Ảnh: Pinterest)

Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong việc hình thành niềm tin của trẻ vào thế giới xung quanh. Trong giai đoạn này, nhu cầu cơ bản của trẻ lúc này là được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ. Nếu cha mẹ đáp ứng kịp thời và nhạy bén những nhu cầu này, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng vào thế giới xung quanh. Niềm tin này chính là nền tảng cho sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và nhận thức của trẻ sau này.

Ngược lại, nếu trẻ không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, bất an và nghi ngờ. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực như rối loạn lo âu ở trẻ, cũng như khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ.

Do đó, cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng niềm tin của trẻ. Bằng cách tạo dựng một môi trường an toàn, yêu thương và hỗ trợ, cha mẹ có thể giúp con hình thành niềm tin vững vàng vào thế giới xung quanh và phát triển một cách toàn diện.

2. Giai đoạn từ 1,5 - 3 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu khám phá thế giới một cách độc lập hơn, với sự phát triển mạnh mẽ về khả năng vận động, ngôn ngữ và nhận thức. Tuy nhiên, khả năng phán đoán của trẻ vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, do đó cha mẹ cần khuyến khích, hướng dẫn và bảo vệ con trong quá trình khám phá.

Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con tự do học hỏi và khám phá, cho phép trẻ tham gia vào các hoạt động phù hợp, tự đưa ra quyết định sẽ giúp trẻ tự tin và độc lập hơn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý không nên nuông chiều hay kiểm soát quá mức, điều này có thể làm giảm sự tự tin của trẻ và gây ra cảm giác nghi ngờ về bản thân.

3. Giai đoạn từ 3 - 5 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu tự chủ hơn và hứng thú hơn trong việc khám phá thế giới xung quanh. Trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến việc kết bạn và tham gia các hoạt động xã hội. Những trải nghiệm này giúp trẻ phát triển lòng tự chủ và tự tin. Tuy nhiên, việc chỉ trích hoặc ngăn cản những ý tưởng của trẻ có thể làm suy giảm sự tự tin của trẻ và khiến trẻ cảm thấy tội lỗi.

Để giúp con phát triển nhân cách toàn diện, cha mẹ cần cung cấp môi trường yêu thương, khuyến khích và hỗ trợ con trong quá trình khám phá và học hỏi, đồng thời tôn trọng sự độc lập của con và hướng dẫn khi cần thiết.

4. Giai đoạn từ 5 - 12 tuổi

Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu học tập và rèn luyện các kỹ năng mới. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ học hỏi, phát triển sở thích và năng khiếu. Nếu được khuyến khích và cảm nhận sự năng lực, trẻ sẽ thể hiện sự siêng năng hơn và dốc hết tâm huyết để đạt được những mục tiêu đề ra.

Cha mẹ hãy khuyến khích con học hỏi và khám phá nhiều điều mới lạ (Ảnh: Pinterest)

Ngược lại, nếu không có sự khích lệ, so sánh trẻ với người khác hoặc tạo áp lực học tập quá mức có thể khiến trẻ nảy sinh mặc cảm tự ti và nghi ngờ về bản thân. Điều này có thể làm trở ngại cho trẻ phát triển toàn diện và thể hiện hết tiềm năng của mình.

5. Tuổi vị thành niên (12 - 18 tuổi)

Ở giai đoạn này, thanh thiếu niên bắt đầu quan tâm đến bản thân, tìm kiếm vị trí và vai trò của mình trong xã hội. Với mong muốn tự do hơn và phát triển cái nhìn riêng về cuộc sống, họ sẽ cố gắng tìm ra vai trò của mình trong gia đình, trên con đường nghề nghiệp sau này và trong xã hội. Để vượt qua giai đoạn này, thanh thiếu niên cần sự hỗ trợ và khuyến khích từ phía gia đình và bạn bè.

Cha mẹ cần tôn trọng sự độc lập của con, lắng nghe và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của con. Đồng thời, cha mẹ cũng cần định hướng cho con những giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh và giúp con đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai.

Tóm lại, những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng nhất để não bộ của trẻ phát triển các kết nối cần thiết, giúp trẻ trở thành những người có sức khỏe, hạnh phúc, trách nhiệm, năng động và thành công. Vì vậy, cha mẹ hãy tận dụng những năm tháng quan trọng này để mang lại những trải nghiệm tốt đẹp nhất cho con.

Phạm Hương (Theo ParentCircle)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/5-giai-doan-vang-phat-trien-nhan-cach-o-tre-d4365.html