Cách ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết tiêu hóa tái phát

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể đã được khắc phục hoàn toàn nhưng vẫn có nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong trường hợp những tổn thương ở niêm mạc cơ quan tiêu hóa chưa được chữa lành hẳn. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa nguy cơ tái phát này?

Xuất huyết tiêu hóa đáng lo ngại không?

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng đáng lo ngại trong nhiều bệnh lý tiêu hóa như loét dạ dày, loét đại trực tràng… Nó còn là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng nguy hiểm hơn như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng…

Xuất huyết tiêu hóa hay còn được gọi là chảy máu tiêu hóa. Đây là một trong những tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng, nếu không can thiệp kịp thời sẽ có thể đe dọa đến tính mạng. Xuất huyết tiêu hóa xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn...

Chảy máu tiêu hóa thường là hệ quả của các bệnh có liên quan đến hệ thống tiêu hóa không được kiểm soát. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa mà tình trạng xuất huyết xảy ra ở mức độ từ nhẹ đến nặng cũng có thể gây sốc. Tình trạng chảy máu ít có thể khó phát hiện và chỉ xét nghiệm phân mới có thể phát hiện.

Cách phát hiện xuất huyết tiêu hóa

Các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa sẽ phụ thuộc vào vị trí và mức độ chảy máu. Có thể nhận ra các triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa qua việc quan sát phân và chất nôn.

Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa dưới bao gồm:

Phân đen hoặc sệt như hắc ín.
Phân có lẫn máu sẫm, đỏ bầm hoặc nâu sậm.
Phân có lẫn máu đỏ tươi.
Máu đỏ trong bồn cầu hoặc giấy vệ sinh.

Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa trên bao gồm:

Nôn ra máu hoặc máu lẫn trong chất nôn.
Chất nôn giống như bã cà phê.
Phân đen hoặc sệt như hắc ín.
Phân có lẫn máu sẫm, đỏ bầm hoặc nâu sậm.

Khi mất nhiều máu, người bệnh có thể có biểu hiện của thiếu máu như gầy sút, xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi. Vì vậy, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Xuất huyết tiêu hóa là triệu chứng đáng lo ngại trong nhiều bệnh lý tiêu hóa.

Chẩn đoán tình trạng xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

Ngoài các biểu hiện lâm sàng các bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu thăm khám mà chỉ định làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm máu; Xét nghiệm phân; Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng; Nội soi đại trực tràng; Sinh thiết; Chụp X-quang có chất cản quang; Chụp CT…

Mức độ nặng của bệnh có liên quan đến cách xử trí, do đó qua thăm khám và nội soi bác sĩ có thể xác định được mức độ và nguy cơ chảy máu tái phát.

Những điều cần chú ý khi chăm sóc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa

- Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi ở nơi có không gian yên tĩnh. Cần nằm ở tư thế ngửa, giữ thẳng lưng ở trên giường phẳng. Chú ý không kê gối trên đầu.

- Có thể dùng khăn ấm chườm lên bụng để giảm đau do triệu chứng của bệnh hay phẫu thuật gây ra.

- Khi vết thương đã bắt đầu ổn định nên đi lại nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái và thư giãn.

- Tuyệt đối không vận động mạnh hay di chuyển nhiều.

- Giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, tránh xa áp lực, căng thẳng hay suy nghĩ tiêu cực. Có thể tìm đến các giải pháp như nghe nhạc, đọc sách báo hay trò chuyện cùng người thân.

- Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh hầm nhừ và có thể uống sữa. Chỉ nên ăn với lượng thức ăn ít, tránh để bụng quá đói hay quá no.

Để dự phòng tái phát xuất huyết tiêu hóa người bệnh cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Bổ sung đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần, từ 2 đến 2,5 lít để giúp hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.

Nên ăn đúng giờ, đủ bữa, thay vì ăn 3 bữa chính thì có thể chia nhỏ ra 5 – 6 bữa để giảm áp lực cho cơ quan tiêu hóa.

Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn. Khi niêm mạc tiêu hóa đang tổn thương thì nên ưu tiên các món cháo, súp.

Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh. Tránh thức khuya sau 23 giờ, ngủ đúng giờ, đủ giấc. Cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát tốt căng thẳng. Đồng thời chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao đề kháng cho cơ thể.

Người bệnh nên tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.

Hạn chế những nhóm đồ ăn khiến tình trạng bệnh trở nên xấu hơn như:

• Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, lạp xưởng, đồ ăn nhanh… vì chứa nhiều chất bảo quản gây khó tiêu, không tốt cho đường tiêu hóa.

• Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Đồ rán, chiên xào, khoai tây chiên… sẽ khiến vết viêm loét đường tiêu hóa trở nên nặng hơn.

• Thực phẩm cay nóng: Ớt, tiêu, mù tạt… sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày và khiến niêm mạc dạ dày tổn thương nhiều hơn.

• Thực phẩm nhiều acid: Các loại hoa quả nhiều vitamin C (bưởi, cam, dâu tây…)

• Đồ ăn quá cứng, có gân sụn sẽ bào mòn niêm mạc dạ dày, khiến bệnh xuất huyết tiêu hóa trở nên trầm trọng hơn và gây hại trực tiếp đến đường tiêu hóa.

TS.BS Nguyễn Văn Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-ngan-ngua-nguy-co-xuat-huyet-tieu-hoa-tai-phat-169240424205007076.htm