Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Mở rộng không gian, tạo động lực phát triển

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, mở rộng không gian, tạo động lực phát triển cho các đơn vị được sắp xếp. Xác định được điều đó, trong giai đoạn 2019 - 2021, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã (ĐVHC), mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Công chức bộ phận "một cửa" UBND xã Điềm He, huyện Văn Quan hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Mở rộng không gian phát triển các đơn vị hành chính cấp xã

Trước khi sắp xếp, thị trấn Lộc Bình có diện tích 4,25 km2, dân số hơn 8.000 người; xã Lục Thôn có diện tích 13,52 km2, dân số hơn 1.400 người. Sau khi nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Lục Thôn vào thị trấn Lộc Bình, từ ngày 1/1/2020, thị trấn có diện tích hơn 17,7 km2, dân số hơn 9.400 người. Như vậy, việc sắp xếp đã mở rộng không gian, tăng quy mô dân số, tạo cơ sở để quy hoạch thị trấn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.

Giai đoạn 2023 - 2025, Lạng Sơn thực hiện sắp xếp 17 ĐVHC cấp xã tại các huyện, thành phố bao gồm: huyện Tràng Định (Khánh Long, Vĩnh Tiến, Đại Đồng, Đội Cấn, thị trấn Thất Khê), huyện Hữu Lũng (Sơn Hà và thị trấn Hữu Lũng), huyện Lộc Bình (Tam Gia, Tĩnh Bắc), huyện Văn Quan (Khánh Khê, Tràng Các, Đồng Giáp), Cao Lộc (thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc, xã Hợp Thành), thành phố Lạng Sơn (xã Hoàng Đồng và Mai Pha).

Còn tại xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, trước khi sắp xếp, xã Vân Nham cũ có diện tích 8,96 km2, dân số hơn 4.100 người còn xã Đô Lương có diện tích là 27,57 km2, dân số hơn 4.500 người. Trước đây, xã Đô Lương từng được tách từ xã Vân Nham, do đó, hai xã có nhiều tương đồng về lịch sử, văn hóa, phong tục. Sau khi sắp xếp thành ĐVHC mới lấy tên là xã Vân Nham, xã đã được mở rộng diện tích lên 34,53 km2, dân số lên hơn 8.600 người, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển xã trở thành cực phát triển tại khu vực phía Tây của huyện.

Ông Lăng Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nham cho biết: Sau khi sắp xếp, bộ máy hành chính xã đi vào hoạt động nền nếp, ổn định, khối đại đoàn kết trong Nhân dân tiếp tục được củng cố chặt chẽ.

Không chỉ tại 2 ĐVHC trên, giai đoạn 2019 - 2021, 25 ĐVHC cấp xã trong tỉnh được thành lập mới đều trên cơ sở sắp xếp từ 2 đến 4 đơn vị trước đó. Thông qua việc sắp xếp đã mở rộng không gian, tăng diện tích và dân số, từ đó nâng số lượng ĐVHC đạt 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Cụ thể, trước khi sắp xếp, toàn tỉnh chỉ có 6/226 xã đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 13/200 ĐVHC đạt 2 tiêu chuẩn này.

Ông Nông Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Quan cho biết: Giai đoạn 2019 - 2021, huyện thực hiện sắp xếp 12 ĐVHC cấp xã (Phú Mỹ, Việt Yên, Vân Mộng, Chu Túc, Đại An, Tràng Sơn, Vĩnh Lại, Văn An, Song Giang, Xuân Mai, Bình Phúc, thị trấn Văn Quan) thành 5 ĐVHC mới là Liên Hội, An Sơn, Điềm He, Bình Phúc, thị trấn Văn Quan. Trước đó, một số xã trong diện sắp xếp có quy mô diện tích, dân số nhỏ, thiếu không gian để phát triển, do đó, sau khi được sắp xếp, quy mô các xã, thị trấn được mở rộng hơn.

Các ĐVHC được sắp xếp đều phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Sau sắp xếp, hệ thống chính trị ngày càng được tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển, góp phần huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn viên thanh niên và người dân hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo tại thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình

Huy động các nguồn lực để phát triển

Sau hơn 4 năm thực hiện sắp xếp, bộ máy hành chính của 25 ĐVHC cấp xã đã từng bước hoạt động ổn định, đi vào nền nếp. Do sắp xếp từ 2 đến 4 ĐVHC cấp xã trước đó (có xã đã đạt hoặc chưa đạt chuẩn nông thôn mới) nên sau khi sắp xếp, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giảm xuống. Để phấn đấu đạt chuẩn, các xã sau sắp xếp đã tập trung nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động sức dân trong triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động.

Như tại xã Điềm He, huyện Văn Quan, đơn vị được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ xã Văn An, xã Song Giang và một phần xã Vĩnh Lại. Ông Lý Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Sau khi sắp xếp, xã tập trung xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Để đạt chuẩn, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tập trung tuyên truyền, huy động cán bộ, Nhân dân chung tay thực hiện, qua đó người dân đã tình nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để làm đường, làm nhà văn hóa, đèn đường chiếu sáng; chung tay vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn. Như trong 2 năm xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân đã đóng góp được hơn 2 tỷ đồng tiền mặt, hiến hơn 15.000 m2 đất, đóng góp hơn 16.000 ngày công và đến năm 2023, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ngoài xã Điềm He, nhiều xã sau khi sắp xếp cũng được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, khơi dậy nguồn lực, vươn lên hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trong 25 xã được sắp xếp mới, có những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới như: Vân Nham (Hữu Lũng), Khánh Xuân (Lộc Bình), Bắc Hùng, Hoàng Việt, (Văn Lãng), Liên Hội, Điềm He (Văn Quan). Tại các xã này, phần lớn các tuyến đường thôn đã được bê tông hóa, nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, đời sống tinh thần, vật chất của người dân ngày càng được nâng lên.

Theo báo cáo hực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2021, việc sắp xếp đã mở rộng địa giới hình chính của các xã, thị trấn, trong đó có 6/10 thị trấn là trung tâm hành chính cấp huyện, đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, đáp ứng yêu cầu việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Sau sắp xếp, các xã không chỉ được mở rộng địa giới hành chính, tăng quy mô dân số mà còn tập trung nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn, hạn chế tình trạng phát triển sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay, hệ thống giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng của địa phương được bổ sung đầu tư xây dựng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Cùng đó, từ việc sắp xếp ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị được tinh gọn, biên chế tinh giản, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm trong sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021, trong giai đoạn 2023 - 2025, Lạng Sơn tiếp tục triển khai sắp xếp 17 ĐVHC tại một số huyện trên địa bàn. Hiện nay, các đơn vị đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai quy trình sắp xếp đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên theo dõi, nắm nắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải đáp các kiến nghị chính đáng cho cán bộ, người dân tại các xã sau sắp xếp, từ đó tạo đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương, tạo ra không gian phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

PHƯƠNG DUNG – HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-mo-rong-khong-gian-tao-dong-luc-phat-trien-5008263.html