Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn:Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền gắn với ký cam kết

Từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương của thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó, các ngành chức năng đã yêu cầu chủ các cơ sở này ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Các cơ quan, đoàn thể huyện Thạch Thất ra quân tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Các cơ quan, đoàn thể huyện Thạch Thất ra quân tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Theo Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung, từ đầu năm đến nay, quận đã chỉ đạo các phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm dưới nhiều hình thức: Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử quận, qua hệ thống Đài Truyền thanh quận và các phường; lồng ghép vào các hội nghị, cuộc họp, buổi sinh hoạt chuyên đề tại tổ dân phố… Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức 9 buổi nói chuyện, hội thảo về an toàn thực phẩm với 850 người tham dự; tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm với 1.335 người tham gia; phát 32 lượt tin, bài tuyên truyền, 1 phóng sự, treo 34 băng rôn, khẩu hiệu, phát 1.300 tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm.

Cùng với công tác tuyên truyền, quận chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo đúng quy định. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, quận đã cấp 359 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với 1.162 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tại huyện Thạch Thất, Trưởng phòng Y tế huyện Vương Thị Ngọc Diên cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Y tế huyện phối hợp với Công an huyện, Đoàn thanh niên huyện tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động dọc các trục đường chính, các ngõ, xóm tập trung đông dân cư; tổ chức phát thanh thường xuyên nội dung về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức 23 buổi tọa đàm, 11 buổi tập huấn với 11.000 người tham dự; phát 3.200 tờ rơi, áp phích; đồng thời phổ biến, hướng dẫn người dân cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn cho bữa cơm gia đình. Cùng với đó, huyện đã cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm cho 24 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp quản lý và 79 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm do y tế quản lý. Đồng thời, yêu cầu 142 cơ sở thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Văn Dũng, nhìn chung công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm được các quận, huyện, thị xã quan tâm và triển khai thông qua nhiều hình thức, như: Tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn, hội thảo; phát thanh, truyền hình, viết tin, bài và phát tờ rơi, in ấn pano, áp phích, tuyên truyền lưu động, đưa, tin bài trên nhóm Zalo, Facebook… Qua đó nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và nhân viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng.

Thông tin về an toàn thực phẩm cần chính xác

Hiện công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được coi trọng, song chưa thực sự thường xuyên và tuyên truyền về các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm còn ít, chưa cụ thể.

Mặt khác, tỷ lệ tin, bài phản ánh, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và quy định về an ninh, an toàn thực phẩm chưa cân đối với nội dung tuyên truyền quảng bá các thương hiệu uy tín, các mô hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất dành cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp, chủ yếu là tuyên truyền miệng, nên hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện quy định về an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

Để tiếp tục nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Huyện cũng yêu cầu các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền an toàn thực phẩm vào các đợt cao điểm, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; đồng thời tổ chức phổ biến kiến thức và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tại cụm công nghiệp.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức trong đó chú trọng hơn về tuyên truyền qua mạng xã hội; phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm tới mọi người dân và cơ quan quản lý; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức, chuyển biến nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-an-toan-ha-noi-day-manh-tuyen-truyen-gan-voi-ky-cam-ket-667355.html