Quỹ phát triển hạ tầng huy động cách nào?
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, việc hình thành quỹ phát triển hạ tầng sẽ là kênh tài chính quan trọng để đầu tư các dự án giao thông.
Theo các chuyên gia, việc huy động nguồn quỹ cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai thành công trên thế giới, làm sao để tận dụng được nguồn lực rất lớn của người dân.
Nhu cầu nguồn lực rất lớn
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận 72 của Bộ Chính trị về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kế hoạch này nêu rõ sẽ nghiên cứu đề án hình thành quỹ phát triển hạ tầng trình Chính phủ xem xét, quyết định.
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, theo 5 Quy hoạch ngành GTVT đã được phê duyệt (đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho quy hoạch giai đoạn 2021-2030 khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nhu cầu vốn theo khả năng cân đối nguồn lực chỉ đáp ứng hơn một nửa, khoảng hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Nguồn vốn này được ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông theo định hướng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bao gồm: Hệ thống đường bộ cao tốc (nhất là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến cao tốc kết nối các khu vực trọng điểm, chiến lược), cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chuẩn bị triển khai đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường sắt quan trọng như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa.
Trên cơ sở tính toán, dự báo khả năng ngân sách Nhà nước sẽ đáp ứng khoảng 552 nghìn tỷ đồng (tương ứng khoảng 48%). Phần còn lại sẽ huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách, đặc biệt trong các lĩnh vực có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư như hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa.
Theo ông Hùng, giai đoạn vừa qua, với chủ lực là nguồn ngân sách Nhà nước, chúng ta đã tập trung đầu tư cho hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành. Sau khi đưa vào khai thác toàn bộ 2.063km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ nâng tổng chiều dài hệ thống cao tốc toàn quốc lên hơn 3.000km, rút ngắn hơn nữa việc hoàn thành mục tiêu 5.000km cao tốc.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi), thực tế cho thấy, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn lực đầu tư.
Đối với nhóm các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), yêu cầu đặt ra là nhà đầu tư phải huy động nguồn lực khác cùng với vốn chủ sở hữu tham gia góp vốn cùng Nhà nước thực hiện.
Từ trước đến nay, nguồn huy động của các nhà đầu tư dự án PPP chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Song, việc lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đối diện nhiều rủi ro ở những dự án có thời gian hoàn vốn kéo dài, khiến các ngân hàng ngày càng không mặn mà. Họ chỉ dành sự quan tâm lớn đối với các dự án có thời gian hoàn vốn từ 18 năm trở xuống.
"Tuy nhiên, dù có vay được, nhà đầu tư cũng phải chịu mức lãi suất tín dụng không hề thấp, thường dao động từ 10,5-11%/năm hoặc hơn thế", ông Chủng nói và cho biết, một số nhà đầu tư đã tính toán, xoay xở nhiều giải pháp: Hợp vốn nhiều ngân hàng thay vì chỉ phụ thuộc một ngân hàng; huy động nguồn lực theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
Kênh tài chính quan trọng
Trước thực tế trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng sẽ là động lực quan trọng để huy động nguồn lực đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng của nền kinh tế nói chung, mục tiêu hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030 nói riêng.
"Giai đoạn 2026-2030, chúng ta cần huy động một nguồn lực rất lớn để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao, các tuyến đường sắt quan trọng khác, các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM, việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng có ý nghĩa rất lớn", ông Hùng nói.
Cùng quan điểm, ông Trần Chủng cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng vẫn thắt chặt, chủ trương nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng là rất cần thiết. Đây cũng là mô hình mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… đã thực hiện thành công.
Tương tự, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia khẳng định, quỹ sẽ là kênh tài chính quan trọng cho các dự án đầu tư công cũng như dự án theo phương thức PPP.
Lâu nay, việc huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông PPP chủ yếu dựa vào vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nên nếu cho vay trên 20 năm sẽ rất rủi ro, trong khi nhiều dự án PPP giao thông mất hàng chục năm để hoàn vốn. Vì thế, nếu có quỹ này chắc chắn sẽ giúp khơi thông khó khăn trong việc huy động vốn.
Huy động nguồn lực từ người dân
Ông Trần Chủng góp ý, để đảm bảo tính khả thi của việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng một đề án cụ thể. Trong đó, cần làm rõ các vấn đề: Huy động nguồn vốn ra sao? Cơ chế, điều kiện cho vay như thế nào? Nhóm dự án nào được ưu tiên vay từ nguồn quỹ này?
Đề án cần tham vấn của các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành và cả các đối tượng sẽ chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ quỹ. Quá trình nghiên cứu kinh nghiệm, xây dựng đề án cần phân tích, đánh giá để đưa ra một công thức phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam. Tránh tình trạng quỹ được hình thành nhưng cơ chế cho vay quá ngặt nghèo, nhà đầu tư không thể tiếp cận.
"Từ sự nghiên cứu của cá nhân và những thông tin được tiếp nhận lại, tôi cho rằng, chúng ta có thể nghiên cứu mô hình quỹ phát triển hạ tầng của Hàn Quốc. Ở quốc gia này, nguồn quỹ hoạt động công khai và có sự huy động chủ yếu trong dân.
Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm đó, xây dựng cơ chế huy động với lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế, nguồn lực cho quỹ cũng có thể huy động từ các tổ chức quỹ lớn hoặc doanh nghiệp, tập đoàn lớn", ông Chủng góp ý.
Trong khi đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa, ở hầu hết các nước đang phát triển đều áp dụng mô hình phát triển hạ tầng giao thông thông qua ngân hàng phát triển quốc gia: "Như Trung Quốc, họ rất thành công với mô hình này. Ngân hàng phát triển quốc gia sẽ thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, tái thiết hạ tầng giao thông".
Nhiều kinh nghiệm từ quốc tế
Dẫn chứng kinh nghiệm trên thế giới, ông Khuất Việt Hùng cho biết, nhiều quốc gia trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông đã hình thành các Quỹ phát triển hạ tầng với nguồn thu chủ yếu từ chính hạ tầng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, hoặc nguồn đầu tư từ quỹ.
Điển hình, tại Hoa Kỳ, Quỹ tín thác đường bộ (HTF) được chính phủ Hoa Kỳ thành lập vào năm 1956 để đảm bảo nguồn tài trợ ổn định từ chính phủ liên bang cho việc xây dựng hệ thống đường bộ liên bang.
HTF bao gồm hai tài khoản: Tài khoản đường bộ, chủ yếu dành cho việc xây dựng và bảo trì đường bộ, cầu và tài khoản vận tải công cộng, được sử dụng để chi tiêu cho xe buýt, đường sắt, tàu điện ngầm, phà và các phương thức vận tải công cộng khác.
Dù kết cấu hạ tầng giao thông mặt đất (đường bộ và đường sắt) tại Hoa Kỳ chủ yếu từ ngân sách địa phương (chính quyền bang và hạt, thành phố…) đầu tư nhưng nguồn tài trợ từ HTF thường ưu tiên tập trung cho các dự án trọng điểm quốc gia (ví dụ: 96% tổng chi ngân sách liên bang dành cho các dự án đầu tư đường cao tốc liên bang).
Nguồn thu chủ yếu cho HTF là từ thuế tiêu thụ xăng dầu (năm 2022, tổng thu từ thuế tiêu thụ xăng dầu là 40 tỷ USD, chiếm 83% tổng chi của HTF). Phần còn lại được bổ sung từ ngân sách liên bang từ quỹ chung của Bộ Tài chính.
Một ví dụ khác là tại Thái Lan, nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông của Thái Lan được huy động khá hiệu quả thông qua mô hình Tài trợ cơ sở hạ tầng (Infrastructure Fund- IFF) theo các quy định và cơ chế do Ủy ban Chứng khoán quốc gia ban hành.
Mô hình IFF đóng vai trò là phương tiện thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng của Thái Lan, tạo cơ hội cho các cơ quan chính phủ và các tổ chức tư nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng, huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua các dự án tạo ra thu nhập. Nguồn tiền thu được sẽ được vốn hóa để phát triển các dự án mới, giảm gánh nặng tài chính và nợ công.
Chính phủ Thái Lan không đầu tư trực tiếp ngân sách mà tài trợ mô hình này thông qua các chính sách ưu đãi về thuế: Miễn thuế cổ tức cho cá nhân bình thường trong vòng 10 năm kể từ ngày đăng ký quỹ; Miễn thuế giá trị gia tăng (VAT)/Thuế doanh nghiệp cụ thể (SBT)/Thuế tem đối với các giao dịch chuyển nhượng tài sản cho các quỹ cơ sở hạ tầng; Khấu trừ các khoản phí, thuế sử dụng đất…
Tại Ấn Độ, Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng Quốc gia (NIIF) được chính phủ thành lập nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng trong nước.
NIIF phụ trách quản lý tổng số vốn cam kết đầu tư lên đến 5 tỷ USD, được phân bổ vào 4 nhóm khác nhau với chiến lược đầu tư riêng phục vụ việc phát triển kinh tế Ấn Độ trong dài hạn.
Chính phủ Ấn Độ cam kết cung cấp số vốn trị giá hàng tỷ USD, tương đương 49% tổng số vốn của cả 4 quỹ thuộc NIIF nói trên. 51% còn lại sẽ do NIIF cơ cấu từ các nhà đầu tư toàn cầu như Quỹ Đầu tư Quốc gia (ADIA), Australian Super, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…
Trong khi đó, tại Nam Phi, Quỹ Cơ sở hạ tầng (IF) do Cơ quan Phát triển cơ sở hạ tầng Nam Phi (ISA) quản lý và Ngân hàng Phát triển Nam Phi (DBSA) điều hành thông qua một đơn vị thuộc DBSA nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập.
IF có trách nhiệm quản lý một loạt các công cụ tài chính phục vụ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Nam Phi. Điều đó không chỉ giúp mang lại động lực tích cực cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế mà còn tạo dựng niềm tin giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tăng cường các khoản đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Tại Saudi Arabia, nước này có Quỹ Cơ sở hạ tầng quốc gia (INFRA) do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Faisal Alibrahim làm Chủ tịch.
INFRA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đất nước thông qua việc thúc đẩy đầu tư tư nhân qua đó đẩy nhanh việc hoàn thiện những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc chuyển đổi kinh tế và xã hội của Saudi Arabia.