Quay lại kích cầu tiêu dùng

Tuần trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cắt giảm dự báo tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu còn một nửa so với trước. Hồi tháng 4, WTO còn khá lạc quan khi cho rằng mức tăng trưởng này sẽ đạt 1,7% trong năm 2023; nay tỷ lệ được đưa ra chỉ là 0,8% do các nguyên nhân lạm phát dai dẳng, lãi suất cao nhưng quan trọng nhất vẫn là những căng thẳng địa chính trị tác động lên dòng chảy thương mại thế giới. Dự báo này được đưa ra trước khi bùng nổ xung đột vũ trang ở Israel và dải Gaza.

Cũng trong tuần trước, tờ Economist ra chuyên đề “Homeland Economics” (tạm dịch “kinh tế dân tộc”) để miêu tả một xu hướng điều hành nền kinh tế mới ở các nước. Ngược với xu hướng toàn cầu hóa khi các nước nới lỏng các ràng buộc về đầu tư, thương mại, kể cả việc đi lại để biến thế giới thành một ngôi làng kết nối, nay các nước bắt đầu chú ý đến những rủi ro do dòng chảy vốn tự do đem lại nên tìm cách giảm thiểu các nguy cơ mà nền kinh tế của họ phải đối diện, từ sự bất định của thị trường, các cú sốc bất ngờ như đại dịch hay động thái không lường trước của một đối thủ địa chính trị.

Mặc dù tờ Economist cho rằng “Homeland Economics” sẽ có hại hơn là có lợi cho nhân loại, những người chủ trương cách điều hành kinh tế này cho rằng nó sẽ giúp thế giới an toàn hơn, bình đẳng hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Dù muốn dù không, các biến chuyển này sẽ có tác động sâu sắc và lâu dài đến nền kinh tế của nước ta, nhất là khi các nước chủ trương bảo hộ mậu dịch, trợ cấp sản xuất và bảo đảm các loại an ninh như an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Và mặc dù chúng ta đã nhanh chóng thích ứng bằng cách tham gia vào các xu hướng mới nổi lên như “friendshoring” (đưa sản xuất về các chuỗi cung ứng thân thiện), cũng cần lường trước các khó khăn của hoạt động xuất khẩu, đón nhận đầu tư nước ngoài, gia công hàng hóa… để duy trì một mức tăng trưởng kỳ vọng.

Một đặc điểm nữa cần lưu ý là duy trì tăng trưởng bằng con đường kích cầu đầu tư có thể dẫn tới dư thừa, lãng phí và hiệu quả thấp như bài học của một số nước đã cho thấy. Mô hình xây bến cảng, sân bay, khu đô thị mới hay các cao tốc bất kể nhu cầu sử dụng chỉ để duy trì tăng trưởng có thể dẫn tới cảnh cao ốc không có người thuê mở văn phòng, sân bay vắng khách, bến cảng thiếu tàu…

Trong bối cảnh đó, cách bền vững nhất vẫn là kích cầu tiêu dùng để vừa đạt tăng trưởng kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu của người dân. Chúng ta đã có sự đồng thuận về các biện pháp kích cầu tiêu dùng truyền thống như miễn, giảm các loại thuế; mở rộng các chương trình an sinh xã hội; hỗ trợ ngân hàng để cho vay tiêu dùng; tăng lương cơ sở, cải cách tiền lương… Vấn đề là liều lượng; một khi đã thống nhất về giải pháp kích cầu tiêu dùng cần mạnh dạn tăng liều lượng, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng lên đến 5% thay vì 2% như kế hoạch, nhanh chóng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người chịu thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp…

Các chính sách khác, dù gián tiếp nhưng cũng góp phần kích cầu tiêu dùng như tìm cách giảm giá xăng dầu, miễn giảm học phí… cần được nhanh chóng kích hoạt.

Thời gian qua chúng ta đã trải qua các cuộc khủng hoảng ngắn hạn thiếu xăng dầu, thiếu điện, kể cả thiếu vật tư thuốc men y tế. Cho dù lý do là gì đi nữa, chúng là các bài học cần lưu ý vì các nước khác cũng đang trải qua những hiện tượng như thế. Một trong những bài học đó là tập trung cho thị trường nội địa với các biện pháp kích thích tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quay-lai-kich-cau-tieu-dung/