Phát triển công viên địa chất Lạng Sơn cần gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường

Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, thuận lợi cho phát triển du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, phát triển công viên địa chất, bảo tồn các giá trị di sản một cách bền vững trên cơ sở vẫn đảm bảo cảnh quan môi trường, thiên nhiên là điều mà tỉnh Lạng Sơn cần quan tâm hơn nữa.

Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn có phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, một phần địa giới huyện Bình Gia, một phần địa giới huyện Cao Lộc và TP. Lạng Sơn với tổng diện tích khoảng hơn 4.800km2 (tương đương khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Tại địa bàn huyện Hữu Lũng, công viên địa chất được xây dựng dựa trên các giá trị về di sản địa chất, đa dạng sinh học, di chỉ khảo cổ, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch... Tuy nhiên trong khu vực này đang có nhiều mỏ đá hoạt động và trên thực tế, hoạt động nổ mìn, khai thác, vận chuyển đá của các mỏ đá ảnh hưởng không nhỏ tới trải nghiệm của du khách và cuộc sống người dân. Bụi bặm, ổ gà, ổ voi, những chiếc xe tải “ăn đá” có dấu hiệu quá tải lưu thông trên các tỉnh lộ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động nổ mìn, khai thác, vận chuyển đá của các mỏ đá trên địa bàn gây ra rất nhiều “bất tiện” tới trải nghiệm của du khách và cuộc sống người dân trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn, công viên địa chất là mô hình phát triển kinh tế mở, được thành lập nhằm bảo tồn các di sản, tuy nhiên các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương vẫn được diễn ra bình thường trong vùng CVĐC. Đây không phải phải khu bảo tồn, do vậy các hoạt động khai thác thác mỏ đá vẫn diễn ra bình thường nhưng phải đảm bảo tuân thủ theo quy định.

Bà Phạm Thị Hương cho biết: “Đối với các dự án khai thác mỏ đá đã được tỉnh phê duyệt, trước đó họ đã cam kết trong việc thực hiện các tiêu chí theo quy định về môi trường. Nếu trường hợp gây ô nhiễm quá thì chắc chắn sẽ cần có sự tham mưu cho tỉnh để xem xét, đánh giá lại hoạt động khai thác, qua đó đảm bảo môi trường, cảnh quan, tránh việc xâm lấn đến các giá trị di sản. Chúng tôi cũng xác định cần là 1 cầu nối giữa các bên để hoạt động khai thác đá đảm bảo tuân thủ, không phá hoại cảnh quan hoặc ảnh hưởng đến môi trường của vùng CVĐC, đồng thời giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ phải tham gia vào các hoạt động của cộng đồng”.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/phat-trien-cong-vien-dia-chat-lang-son-can-gan-voi-bao-ve-canh-quan-moi-truong-post1057360.vov