Phát huy vai trò của lực lượng 'quần chúng đặc biệt'

ĐBP - Trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng, có một nhóm người đóng vai trò dẫn dắt cộng đồng trên cơ sở sự tín nhiệm, quý mến của người dân - đó là người có uy tín (NCUT). Họ có khả năng lôi cuốn, tác động, tập hợp người dân thông qua lời nói và việc làm trên tất cả mọi mặt đời sống, từ cấp độ cá nhân, gia đình cho đến cộng đồng. Với khả năng 'nói dân tin, làm dân theo', NCUT trên địa bàn huyện Mường Nhé được xem là lực lượng 'quần chúng đặc biệt', làm cầu nối đưa chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới Đảng, Nhà nước.

Bài 1: Những “trụ cột” của thôn, bản

Mường Nhé là huyện khó khăn nhất tỉnh Điện Biên; có đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc với tổng chiều dài 132,196km. Toàn huyện có 10 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người dân tộc thiểu số (93,6%); đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo gần 60%. Mường Nhé là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, các thế lực thù địch, tổ chức phản động thường lợi dụng móc nối, tuyên truyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Với uy tín của mình, NCUT trên địa bàn huyện đã trở thành “trụ cột”, “cánh chim đầu đàn” trong cộng đồng sở tại.

Ông Thào A Da (đứng giữa), bản Huổi Khon, xã Nậm Kè hiến 300m2 đất xây dựng điểm trường mầm non của bản. Ảnh: Văn Tâm

Nói dân tin...

Toàn huyện Mường Nhé hiện có 114 NCUT, gồm: 38 người là già làng; 8 người là trưởng thôn, bản và tương đương; 8 cán bộ hưu trí; 6 chức sắc tôn giáo; 4 người sản xuất kinh doanh giỏi và thành phần khác 50 người. NCUT chủ yếu là dân tộc Mông (65 người), Hà Nhì (24 người), Thái (12 người), Dao (7 người); Kinh (2 người); các dân tộc Sán Chỉ, Cống, Si La, Kháng mỗi dân tộc 1 người. Mặc dù số lượng NCUT không nhiều, nhưng họ có điểm chung: Đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có trọng lượng, có sức thuyết phục, được người dân tin tưởng.

Ngược trở về năm 2011, khi đó tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Một số đối tượng lôi kéo, kích động người Mông đòi thành lập “nhà nước Mông”. Thế nhưng tại nhiều bản, xã khác trên địa bàn huyện, trong đó có bản Huổi Lúm (xã Nậm Vì), an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn ổn định. Kết quả đó không chỉ nhờ sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương mà có đóng góp quan trọng của NCUT đã không ngại khó, ngại khổ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân hiểu, không nghe theo lời kẻ xấu. Một trong những người làm nên thành công ở Huổi Lúm thời điểm ấy ông Lầu A Vàng, NCUT của bản.

Ông Lầu A Vàng kể lại: Lúc ấy (năm 2011), người dân ở Huổi Lúm cũng hoang mang, dao động; một số người đã theo và một số khác có ý định theo các phần tử xấu. Thậm chí có người trong bản bị ốm, nhưng nghe lời kẻ xấu dụ dỗ nên nhịn ăn, nhịn uống, trốn lên rừng để được “hưởng sung sướng, không làm vẫn có ăn”. Tôi đã phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực gặp gỡ tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu. Ban đầu một vài người nghe, rồi dần dần cả bản cũng tin theo.

Thời điểm đó, vợ chồng anh Giàng A Hả (bản Huổi Lúm) nghe theo kẻ xấu bỏ nhà, bỏ bản lên rừng. Nhờ có ông Vàng vận động, giải thích, vợ chồng anh đã quay về yên tâm phát triển kinh tế tại nơi ở cũ. “Rất may thời điểm đó có ông Vàng nên vợ chồng mình không bỏ đi, quay về bản tập trung làm ăn. Hiện nay, một năm gia đình mình làm 2 vụ lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống ổn định và đang nuôi 2 con đi học đại học ở Hà Nội” - anh Giàng A Hả cho biết.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian trước đây, tình hình an ninh trật tự, các hoạt động tà đạo… trên địa bàn huyện Mường Nhé lại trở thành “điểm nóng” của tỉnh Điện Biên. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, thì ngoài lý do đời sống người dân khó khăn, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế, thì kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo khi giải quyết các sự vụ, sự việc còn gặp lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác nắm tình hình có lúc, có nơi chưa sâu, chưa kịp thời. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền đoàn thể các cấp, việc khơi dậy, đề cao, phát huy vai trò của NCUT trong tuyên truyền, vận động người dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

... làm dân theo

Ông Mạ Gió Tư, dân tộc Hà Nhì là NCUT ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu của xã về tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Tư luôn tham gia cùng với các tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải đi kiểm tra bảo vệ đường biên, mốc giới.

Ông Mạ Gió Tư chia sẻ: Bảo vệ đường biên, cột mốc là góp phần bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh biên giới, vì thế đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào. Ngoài ra, những lúc làm nương hay chăn nuôi gia súc, tôi thường xuyên kiểm tra để kịp thời báo cho lực lượng biên phòng những vấn đề phát sinh. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu, người dân trong bản về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh với hoạt động xâm phạm chủ quyền biên giới. Đến nay các hộ dân trong bản đều tham gia với trách nhiệm cao nhất.

Thiếu tá Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Đồn Biên phòng A Pa Chải được giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 38,281km với 16 mốc quốc giới tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc. Địa bàn phụ trách xã Sín Thầu có 7 bản; trong đó 5 bản giáp biên. Thời gian qua, bằng những việc làm cụ thể, NCUT trên địa bàn xã Sín Thầu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương. Trước đây, nhiều hộ dân không đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, nhưng khi thấy những NCUT đăng ký, họ đã làm theo. NCUT được ví như những “cột mốc sống” nơi biên giới.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, NCUT là tấm gương điển hình, đi đầu để người dân làm theo. Điển hình như ông Thào A Da, NCUT bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, là người đi đầu hiến đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, lớp học. Để người dân tin và làm theo, ông Da đã hiến hơn 300m2 đất làm nhà văn hóa bản, điểm trường mầm non. Từ đó, nhiều hộ dân trong bản đã tham gia hiến hàng trăm mét vuông đất, góp sức, góp nguyên vật liệu làm đường, làm nhà văn hóa. Khi các công trình xây dựng được khởi công thì không ai bảo ai, người dân tự nguyện tham gia vận chuyển vật liệu từ trung tâm xã về bản để thi công.

Bà Pờ Mỳ Ly, Phó phòng Dân tộc huyện Mường Nhé cho biết: Những năm qua đội ngũ NCUT trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò, trở thành “điểm tựa của mọi điểm tựa”. Nhiều mô hình hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc... được NCUT đi đầu để người dân tin và làm theo.

Bài 2: Cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương

Văn Tâm - Văn Quyết

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xay%20dung%20dang/200054/phat-huy-vai-tro-cua-luc-luong-%E2%80%9Cquan-chung-dac-biet%E2%80%9D