Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số theo hướng bền vững

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhờ vậy mà bản sắc văn hóa các dân tộc không những được gìn giữ, bảo tồn mà còn được phát huy, chuyển hóa thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển về đời sống kinh tế-xã hội, quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn minh…, các giá trị văn hóa dân gian, truyền thống dân tộc đứng trước nguy cơ bị xói mòn, biến dạng, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn nữa.

Các đại biểu tham gia tọa đàm, trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Minh

Chính vì vậy, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực văn hóa cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương...

Nhận diện nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã trao đổi về tình hình thực tiễn triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa dân tộc, việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.

Theo các ý kiến tại diễn đàn, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và giàu bản sắc. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Và thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, phát huy tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Do vậy, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, cần nhận diện, đánh giá đúng thực trạng các nguồn lực để tìm ra các giải pháp phù hợp để phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc theo hướng bền vững là công việc vô cùng cần thiết.

Đánh giá về nguồn lực văn hóa dân tộc thiểu số hiện nay, theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Trên cơ sở các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình 143, 134, 135, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số… và sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp, sự chung tay góp sức của cộng đồng, nguồn lực văn hóa vùng dân tộc thiểu số những năm qua không những được quan tâm giữ gìn, vun đắp, mà bước đầu còn được phát huy, khai thác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống như đền, chùa, miếu, phủ, hội quán, nhà thờ... , các thiết chế văn hóa mới được đầu tư ngày càng đồng bộ như: thư viện, nhà văn hóa, bảo tàng, trung tâm văn hóa - thông tin, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được mở rộng đến tận các bản, buôn, ven, plei, phum sóc… không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, mà còn là nơi tổ chức trưng bày sản phẩm, giới thiệu hàng hóa OCOP, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, liên hoan, hội chợ... Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Nguồn lực văn hóa có thể được nhận diện thông qua đa dạng các biểu đạt văn hóa, thể hiện ở hệ thống các di tích, danh thắng, chợ truyền thống, bảo tàng, nhà văn hóa, nhà ở, nhà cộng đồng, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian… Ở mỗi dạng biểu đạt văn hóa của mỗi tộc người lại tạo ra những nguồn lực văn hóa khác nhau, củng cố thêm tính đa dạng, phong phú của nguồn lực văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay. Ví dụ như người Mông, người Lô Lô ở thung lũng Sủng Là, Hà Giang, cảnh quan bản làng với những cánh đồng hoa Tam giác mạch, những ngôi nhà cổ, trang phục, ẩm thực và tiếng khèn đang là nguồn lực văn hóa trong phát triển hiện nay, hay với người K’Ho ở Lạc Dương, Lâm Đồng, sinh hoạt cồng chiêng, rượu cần, thổ cẩm, các câu chuyện huyền thoại dưới chân núi Lang Biang đang là nguồn lực văn hóa cơ bản giúp cho cộng đồng này phát triển.

“Nguồn lực văn hóa không phải là yếu tố tự thân, sẵn có và luôn luôn có ở mỗi tộc người. Các thực hành văn hóa đa dạng của các tộc người không phải tự nhiên trở thành nguồn lực văn hóa mà các thực hành văn hóa muốn trở thành nguồn lực văn hóa phải qua cả một quá trình với sự tham gia của nhiều yếu tố, nhiều bên liên quan. Ví như chủ thể văn hóa phải nhận thức rõ được về giá trị văn hóa của mình, có ý thức đưa văn hóa của mình vào trong các quá trình sản xuất tạo nên các sản phẩm văn hóa, liên tục sáng tạo và tạo nghĩa cho các thực hành văn hóa, đưa đến những sự vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn cho các dòng chảy kinh tế cũng như quan hệ xã hội của cá nhân và cộng đồng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh.

Phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: Văn hóa còn thì dân tộc còn, để mất văn hóa thì dân tộc sẽ mất và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước nói chung đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nguồn lực văn hóa. Quá trình thực hiện nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân. Từ đó, toàn ngành càng nỗ lực hơn trong xây dựng, chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, muốn phát huy tốt được nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian tới, “phát huy nguồn lực văn hóa cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện theo từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, toàn ngành văn hóa phải quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, làm tốt công tác quản lý của Nhà nước; đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước”.

Bàn về các giải pháp phát huy nguồn lực các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước, theo Tiến sĩ Trần Thị Thủy, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Bảo vệ và phát huy nguồn lực di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam trong phát triển không chỉ đảm bảo cho sự tồn tại của một thực thể văn hóa, mà còn giúp phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đây là quá trình cộng đồng dân tộc tham gia trực tiếp vào các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn lực văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa, các ngành kinh tế sáng tạo, từ đó thu được các lợi ích kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, các cộng đồng bắt buộc phải có ý thức bảo vệ di sản văn hóa cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc mình, thông qua các hoạt động thực hành, lưu truyền và phổ biến những giá trị văn hóa truyền thống, những hình thức biểu đạt văn hóa của cộng đồng.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thị Thủy, vì được hình thành bởi quá trình phát triển dân tộc và quốc gia nên nguồn lực di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam chịu tác động bởi chính sách của Nhà nước. Nhà nước bảo trợ, thúc đẩy việc bảo vệ di sản văn hóa và kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc quốc gia, tạo ra định hướng đối ngoại văn hóa với quốc gia khác trên thế giới. Công cụ hữu hiệu để Nhà nước sử dụng thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy nguồn lực di sản văn hóa của các dân tộc chính là truyền thông và chính sách văn hóa, dân tộc.

Do đó, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ và phát huy nguồn lực di sản văn hóa các dân tộc như triển khai các dự án sưu tầm nghiên cứu, phục hồi di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, tu bổ tôn tạo các di tích, hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa cho các thành viên trong cộng đồng… Các cơ quan quản lý, nghiên cứu, tư vấn, truyền thống của Nhà nước thường xuyên đăng tải các thông tin, quảng bá về thực trạng di sản văn hóa của các dân tộc như một kênh thông tin chính thống để từ đó có chính sách bảo vệ và phát huy nguồn lực di sản văn hóa cho phát triển bền vững đất nước.

Để các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay trở thành nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư, chính sách đặc thù, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa, hoạch định chính sách phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa của từng vùng, địa phương để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực của từng cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và có chế độ đãi ngộ, tôn vinh vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hoa Hạ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-nguon-luc-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-theo-huong-ben-vung-post460687.html