Nhiều sáng kiến trong chăm sóc y tế đối với phạm nhân rối loạn tâm thần do ma túy

Các đại biểu đã cập nhật nhiều thông tin, chia sẻ về các phương pháp nhằm nâng cao công tác quản lý giam giữ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy.

Ngày 14/11, tiếp tục chương trình Hội nghị cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 41 (APCCA 41), hội nghị đã tham luận chuyên đề “Cung cấp môi trường giam giữ an toàn và chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy và phạm nhân khuyết tật”. Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam và ngài Richard Mandui, thành viên Tổ trợ giúp, đồng chủ trì.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cập nhật nhiều thông tin, chia sẻ về các phương pháp nhằm nâng cao công tác quản lý giam giữ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy.

Ban Tổ chức điều hành tham luận.

Tham luận của đoàn Việt Nam nêu rõ, ở Việt Nam, số phạm nhân khi đưa vào thi hành án tại các trại giam mang theo nhiều loại bệnh nguy hiểm chiếm tỷ lệ cao như: Lao phổi, Lao/HIV, Lao kháng thuốc, HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C và nhiều bệnh truyền nhiễm khác… Đặc biệt phạm nhân rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, số phạm nhân có tiền sử nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao gấp nhiều lần so với cộng đồng.

Khi vào trại giam, những phạm nhân này có nhiều biểu hiện khác nhau. Trong số các phạm nhân nhập trại có dấu hiệu rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, một số có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu…). Do vậy việc cung cấp chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi và phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn trại giam.

Các đại biểu tham luận tại hội nghị.

Pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân ở Việt Nam. Để đảm bảo công tác chăm sóc y tế cho phạm nhân kịp thời, hiệu quả, các trại giam đều có đội y tế, bệnh xá khám chữa bệnh cho phạm nhân được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men, vật tư y tế… Đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo chính quy, cơ bản tại các trường y với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh cho phạm nhân. Hằng năm các trại giam thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về mặt chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật, thuốc men đã giúp ích rất nhiều trong công tác chăm sóc y tế đối với phạm nhân ở Việt Nam.

Cục trại giam Hong Kong (Trung Quốc) tham luận cho biết, đã quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý đối với những phạm nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi và phạm nhân có vấn đề liên quan đến ma túy. Đặc biệt là các bạn đã có chương trình phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan quản lý bệnh viện để cung cấp một dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp với thể trạng, tình hình và nhu cầu của từng phạm nhân. Phạm nhân trong vòng 24h sau khi đến trại giam được khảo sát, tư vấn y tế để đưa ra nội dung quản lý, giam giữ và khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng phù hợp.

Cơ quan Trại giam Singapore trình bày tham luận đã cho hội nghị thấy tổng quan về các giải pháp của Cơ quan Trại giam Singapore trong việc quản lý những người lạm dụng ma túy, bao gồm các biện pháp đang được áp dụng tại các Trung tâm cai nghiện ma túy và có sự tham gia phối hợp của gia đình, tổ chức xã hội, cộng đồng nhằm cung cấp một môi trường giam giữ an toàn, các đối tượng quản lý, nhất là số đối tượng có tiền sử sử dụng ma túy, có biểu hiện tâm thần được điều trị hiệu quả. Điều trị cai nghiện ma túy có vai trò quan trọng trong việc tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời làm giảm tình trạng tái phạm tội, góp phần phòng ngừa tội phạm ngoài xã hội.

Phương Thủy - Chiến Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-sang-kien-trong-cham-soc-y-te-doi-voi-pham-nhan-roi-loan-tam-than-do-ma-tuy-i713766/