Hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao khả năng thích ứng với thiên tai

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai (PCTT) có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhất là sự ra đời của Luật Phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai, sự cố trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, hoặc chưa phù hợp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh thời tiết xấu trên vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Bích Nguyên

Tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh thời tiết xấu trên vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Bích Nguyên

Một số chính sách không còn phù hợp với thực tiễn

Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.320 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng. Riêng tại khu vực biên giới, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 1.845 vụ/4.023 người/754 phương tiện bị sự cố, thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn. Thiên tai, tai nạn đã làm 747 người chết, mất tích, 259 người bị thương, 325 phương tiện bị chìm, 222 phương tiện hư hỏng.

Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị điều động hơn 12.200 lượt cán bộ, chiến sĩ/367 lượt phương tiện, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ huy động 306 phương tiện/hơn 2.600 người dân tham gia ứng phó, cứu vớt hơn 1.100 người/180 phương tiện, chữa cháy hơn 420ha rừng; hỗ trợ di dời hơn 10.200 người dân đến nơi trú tránh an toàn; thông báo, hướng dẫn cho hơn 328.000 lượt phương tiện/hơn 1,6 triệu lượt người tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc thời tiết xấu trên biển. Không có phương tiện nào hoạt động trên biển bị ảnh hưởng, thiệt hại do không nhận được thông báo, cảnh báo của BĐBP.

Thực tiễn công tác PCTT - TKCN cho thấy, hiện có một số quy định không còn phù hợp với tình hình với tình hình thiên tai diễn biến ngày càng khó lường và cực đoan như hiện nay, cần sớm sửa đổi. Một trong số đó là định mức chi trả kinh phí cho người dân tham gia TKCN, cứu hộ theo Thông tư số 92/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TKCN, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho hay, theo Thông tư 92, định mức chi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TKCN, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa rất thấp. Một người dân tham gia cứu hộ, cứu nạn 1 ngày được trả hơn 100.000 đồng, trong khi thủ tục thì rất rườm rà. Do đó, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến kiến nghị, cần thay thông tư này để đáp ứng được tình hình.

Một vấn đề khác đặt ra hiện nay là thiên tai, tai nạn tàu, thuyền trên biển xảy ra nhiều. Tàu, thuyền là tài sản lớn của ngư dân, thường là do vay ngân hàng mà có, khi gặp thiên tai, tai nạn, tàu chìm, người chết nhưng nợ vẫn còn mà hiện chưa có cơ chế hỗ trợ đối tượng này. Trong khi đó, các hộ dân trên đất liền nếu bị thiệt hại nhà cửa, tài sản, hoa màu do thiên tai sẽ được chính quyền các cấp, đoàn thể chung tay hỗ trợ chi phí dựng lại nhà cửa, khắc phục hậu quả thiên tai... Do đó, cần có cơ chế chính sách giúp đỡ ngư dân bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn khi làm ăn, sản xuất trên biển.

Cũng liên quan đến tàu thuyền hoạt động sản xuất trên biển, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cho biết, hiện nay, BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển thành lập được hơn 3.460 tổ tàu, thuyền đoàn kết trên biển. Các tổ tàu, thuyền này hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên giúp nhau khi khai thác hải sản, thông báo kịp thời những vấn đề xảy ra trên biển cho BĐBP và chính quyền địa phương, trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống và sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo... Do đó, nên nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ tàu, thuyền đoàn kết, tự nguyện tham gia cứu nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang hỗ trợ người dân dựng lại nhà sau thiên tai. Ảnh: Bá Vừ

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang hỗ trợ người dân dựng lại nhà sau thiên tai. Ảnh: Bá Vừ

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTT

Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thiên tai năm 2023 đã làm sạt lở gần 1,2 triệu m3 taluy dương, gần 6km taluy âm, khoảng 7.000m2 mặt đường, 32.000m2 lề đường bị hỏng, 177m đường bị đứt, 38 cầu cùng 119 biển báo hư hại. Kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước một của đường bộ là 350 tỷ đồng, đường sắt 35 tỷ đồng. Theo ông Tùng, số tiền này chỉ đáp ứng khoảng 40% so với yêu cầu. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt hạn hẹp, không đủ để thanh toán ngay cho các đơn vị quản lý, bảo trì, trong khi những năm gần đây, thiên tai ngày càng cực đoan. Do đó, các đơn vị gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để thực hiện khi có sự cố mới phát sinh.

Để giải quyết vấn đề về kinh phí, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ ưu tiên bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm để hỗ trợ ngành; đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3, Điều 7 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 theo hướng cho phép đơn vị dự toán cấp 1 được trích lập dự phòng tối đa 2-4% theo quy định trên tổng dự toán đã được Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên hàng năm.

Để công tác PCTT đạt kết quả tốt hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cần kiện toàn bộ máy PCTT-TKCN theo Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, bảo đảm bộ máy mới “hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn”. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự. Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác PCTT-TKCN.

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Hiện tượng ENSO đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. Việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, dông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như: Mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn.

Theo nhận định của ông Cường, năm 2024, dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó, 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11/2024. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phương án ứng phó với việc chuyển đổi trạng thái thời tiết từ El Nino sang La Nina.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoan-thien-co-che-chinh-sach-nang-cao-kha-nang-thich-ung-voi-thien-tai-post476029.html