Nhiễm trùng và đau đớn khi xỏ khuyên lưỡi, khuyên rốn

Chịu đau để xỏ khuyên lưỡi, rốn hoặc mũi, nhiều người hối hận, muốn tháo bỏ vì bất tiện, nhiễm trùng. Một số khác muốn thay đổi phong cách thời trang.

 Nhiều người hối hận sau khi chịu đau thực hiện lỗ xỏ do nhiễm trùng, không còn phù hợp với phong cách. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhiều người hối hận sau khi chịu đau thực hiện lỗ xỏ do nhiễm trùng, không còn phù hợp với phong cách. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong một lần ăn tối, Yến Linh (23 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) vô tình cắn trúng khuyên lưỡi. Chiếc khuyên tung chốt, vỡ tan khiến cô suýt nuốt phải mảnh vụn.

Nguy hiểm hơn, phần lỗ xỏ bị trầy xước và chảy máu. Sau nhiều lần gặp bất tiện, khó khăn trong quá trình sinh hoạt, cô quyết định tháo bỏ khuyên ở vị trí lưỡi, không thể tiếp tục đeo dù vẫn yêu thích món phụ kiện này.

“Sau 2 năm đeo khuyên tại đầu lưỡi, tôi buộc phải từ bỏ vì không thể chịu đau, gặp khó khăn khi ăn uống, vệ sinh răng miệng”, Yến Linh nói.

Theo thống kê năm 2021 của Statista, 33% người ở độ tuổi từ 18 đến 30 tại Mỹ hối hận về ít nhất một lỗ xỏ trên cơ thể. Trong đó, 21% không còn đeo khuyên tại vị trí đó, 12% còn lại vẫn sử dụng, chưa hoàn toàn tháo bỏ khuyên.

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tâm lý hối hận là không còn yêu thích, gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc, sinh hoạt và nhận về sự chê bai từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Vị trí xỏ dễ gây hối hận là môi, lưỡi, rốn, chân mày và mũi.

Còn tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên, một số đơn vị xỏ khuyên cho biết tỷ lệ khách hàng hối hận sau xỏ là 5-15%.

Những lý do chính dẫn đến quyết định tháo bỏ là bất tiện trong sinh hoạt, không còn phù hợp với phong cách và chịu tác động từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Tháo khuyên

Năm 2021, Yến Linh quyết định đi xỏ khuyên mũi sau thời gian dài đắn đo. Cô chi trả khoảng 300.000 đồng cho lỗ xỏ (chưa bao gồm khuyên).

Ban đầu, Linh khá hài lòng với vị trí xỏ này do việc vệ sinh tương đối thuận lợi, dễ dàng. Hơn nữa, phần đầu lưỡi được đánh giá là khá dễ lành. Chỉ sau 1 tuần, lỗ xỏ của cô hết hẳn sưng tấy, không còn đau nhiều.

Tuy nhiên, khi chung sống với món phụ kiện này, Yến Linh gặp nhiều sự cố.

Cụ thể, vị trí xỏ của cô thường xuyên chảy máu do va chạm. Chiếc khuyên cũng liên tục chạm vào nắp họng và nướu, gây trầy xước, tạo thành vết thương hở.

“Nhiều lần đau đớn, thậm chí còn đau hơn khi xỏ”, Linh chia sẻ về chiếc khuyên lưỡi cô từng đặc biệt yêu thích.

Bên cạnh vấn đề trầy xước, nhiễm trùng, cô còn gặp rắc rối khi không thể tiếp tục phát âm bình thường. Với vật cản tại đầu lưỡi, Yến Linh liên tục nói mất chữ, đớt, gặp khó khăn khi giao tiếp.

Tương tự Yến Linh, Thanh Hằng (25 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng hối hận sau một năm chung sống với khuyên mũi. Nhân viên văn phòng này chi trả 500.000 đồng cho dịch vụ xỏ.

Nhận thấy cơ địa khó lành, thường xuyên bị nhiễm trùng khi có vết thương hở, Hằng bấm bụng chi thêm 600.000 đồng cho một mẫu khuyên vòng chất liệu titan sau 6 tháng kể từ ngày xỏ. Tiếp đó, cô mạnh tay đầu tư gần 3 triệu đồng cho món phụ kiện vàng nguyên chất để đảm bảo lỗ xỏ lành lặn.

Tuy nhiên, chiếc khuyên của cô thường xuyên mắc vào chỉ thừa khi mặc áo, tiếp xúc trực tiếp với khẩu trang mỗi ngày. Hơn nữa, lỗ xỏ cũng bị dịch mũi tràn vào dẫn đến tình trạng mưng mủ.

Ngoài ra, Hằng cũng gặp khó khi phải giấu phụ huynh. Không sinh sống cùng thành phố với bố mẹ, ban đầu cô cho rằng có thể tháo tạm thời khi về thăm nhà.

 Thay đổi phong cách, bị gia đình, bạn bè chê..., nhiều người quyết định tháo bỏ khuyên mũi, lưỡi hoặc rốn sau thời gian dài gắn bó. Ảnh: Phạm Thắng.

Thay đổi phong cách, bị gia đình, bạn bè chê..., nhiều người quyết định tháo bỏ khuyên mũi, lưỡi hoặc rốn sau thời gian dài gắn bó. Ảnh: Phạm Thắng.

Tuy vậy, Thanh Hằng chưa nghĩ đến cảnh phải loay hoay xử lý chiếc khuyên khi phụ huynh thực hiện video call 2-3 lần/tuần.

“Tôi không thể liên tục tháo ra, đeo lại, đành phải xoay ngược khuyên, đẩy vào trong mỗi lần gọi điện cho bố mẹ. Mỗi lần lỗ xỏ bị nhiễm trùng, hành động điều chỉnh này tương đối khó khăn, nguy hiểm”, Hằng nói.

Cuối cùng, nhân viên văn phòng 25 tuổi tự tay tháo chiếc khuyên mũi vàng, chấp nhận từ bỏ lỗ xỏ tại vị trí này, tránh hậu quả nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, Thảo Trang (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cân nhắc từ bỏ chiếc khuyên rốn vì thấy không còn phù hợp với phong cách hiện tại.

3 năm trước, Trang thường xuyên diện crop top khoe vòng 2, theo đuổi phong cách cá tính, bụi bặm. Ở thời điểm đó, cô cũng liên tục thực hiện các chuyến du lịch biển, có cơ hội khoe khuyên rốn khi diện bikini.

Song, trong khoảng 1 năm gần đây, Thảo Trang thay đổi sang phong cách thanh lịch, nữ tính. Khi không diện áo ngắn, quần cạp trễ, cô hiếm khi để lộ khuyên rốn.

Hơn nữa, sinh sống tại miền Bắc với khoảng 4-5 tháng mùa đông/năm, Trang không thể diện váy cut-out hay áo ngắn khoe eo trong thời tiết lạnh giá. Dù tiếc chi phí xỏ và công sức chịu đau, chăm sóc, cô vẫn giữ ý định tháo khuyên trong thời gian tới.

“Không còn phù hợp”, Thảo Trang vừa nói vừa chỉ vào chiếc khuyên rốn hình viên bi.

Dễ dàng xỏ khuyên, khó khăn gắn bó

“Quyết định xỏ chỉ là bước đầu tiên, việc chăm sóc và chung sống với lỗ xỏ lâu dài mới là vấn đề”, đó là lời cảnh báo mà Phùng Huy (30 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) thường đưa ra với khách hàng.

Với kinh nghiệm 8 năm làm việc trong lĩnh vực xỏ khuyên, anh chứng kiến nhiều trường hợp hối hận sau khi quyết định nằm lên bàn xỏ. Hiện nay, 15% khách hàng của Huy vẫn cân nhắc về quyết định tháo bỏ khuyên rốn, mũi, lưỡi, môi và chân mày.

Sau khi khảo sát, Phùng Huy nhận ra các lý do chính dẫn đến tâm lý hối hận là viêm nhiễm, bất tiện trong quá trình sinh hoạt, không phù hợp với phong cách thời trang/công việc hiện tại, đồng thời bị người thân yêu cầu tháo.

Theo Huy, nhiều thợ xỏ khuyên không tư vấn kỹ cho khách hàng, chèo kéo để bán dịch vụ. Khi thiếu nhận biết về những nguy cơ có thể xảy ra, người xỏ thường chăm sóc sai cách, dẫn đến nhiễm trùng, sưng tấy. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người đưa ra quyết định từ bỏ lỗ xỏ.

 Các đơn vị xỏ khuyên cần tư vấn chi tiết về rủi ro có thể xảy ra, giúp khách hàng không hối hận về sau. Ảnh: Phạm Thắng.

Các đơn vị xỏ khuyên cần tư vấn chi tiết về rủi ro có thể xảy ra, giúp khách hàng không hối hận về sau. Ảnh: Phạm Thắng.

Đồng tình với Phùng Huy, Bảo Trân (TP.HCM), chủ sở hữu một cơ sở xỏ khuyên, đính đá răng, cũng cho biết 5% khách hàng của cô hối hận sau khi thực hiện lỗ xỏ. Để tránh tình trạng này xảy ra, Trân thường chia sẻ rõ ràng với khách hàng về rủi ro trong quá trình tư vấn.

Đối với lưỡi, vị trí này phải tiếp xúc liên tục với thức ăn, răng, nướu, gia tăng khả năng nhiễm trùng, trầy xước, cần chăm sóc cẩn thận. Nhằm tránh việc cắn trúng, người xỏ nên cân nhắc sử dụng các loại khuyên có độ dài 10-12 mm.

Đối với rốn, thợ xỏ cần quan sát kỹ cấu trúc rốn trước khi bắt tay vào thực hiện. Khách hàng cũng nên sử dụng khuyên có kiểu dáng và chất liệu phù hợp theo tư vấn của thợ xỏ. Titan được đánh giá là vật liệu an toàn, phổ biến nhất hiện nay.

Ngoài ra, người xỏ cũng cần chú ý sinh hoạt, tránh đè lên, va chạm thường xuyên với lỗ. Nếu khuyên rốn bị đào thải, khách hàng cần liên hệ ngay với đơn vị thực hiện để xử lý, đồng thời cân nhắc phương án xỏ lại.

Nhìn chung, quyết định tháo bỏ được đưa ra dễ dàng vì lỗ xỏ thường ít để lại sẹo lớn. Không giống như quá trình xóa xăm đau đớn, tốn kém, việc loại bỏ khuyên nhanh chóng hơn nhiều.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nhiem-trung-va-dau-don-khi-xo-khuyen-luoi-khuyen-ron-post1440155.html