Nguyễn Úy mở rộng diện tích trồng cây vải u trứng
Vườn vải u trứng rộng hơn 10 sào của gia đình anh Trương Văn Điệp, thôn Cát Thường, Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) nhiều năm nay cho năng suất và giá trị khá ổn định ở mức cao. Bình quân mỗi sào 6 gốc vải cho năng suất từ 600 - 800 kg, đạt giá trị khoảng 12 - 15 triệu đồng. Sản phẩm thu hoạch đến đâu xuất bán hết đến đấy.
Vườn vải u trứng rộng hơn 10 sào của gia đình anh Trương Văn Điệp, thôn Cát Thường, Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) nhiều năm nay cho năng suất và giá trị khá ổn định ở mức cao. Bình quân mỗi sào 6 gốc vải cho năng suất từ 600 - 800 kg, đạt giá trị khoảng 12 - 15 triệu đồng. Sản phẩm thu hoạch đến đâu xuất bán hết đến đấy.
Được biết, khu vườn vải u trứng của anh Điệp được trồng từ năm 2000 khi tham gia mô hình sản xuất đa canh. Khi đó, trong thôn đã có gia đình đưa giống vải u trứng về trồng, sai quả, giá bán cao, 1 kg vải u trứng gấp 5 lần vải Lục Ngạn (Bắc Giang) và tương đương 10 kg thóc nên anh Điệp quyết định trồng 50 gốc vải u trứng trên toàn bộ diện tích canh tác của gia đình. Ưu điểm của vải u trứng là chín sớm hơn các loại vải khác và có chất lượng quả ngon, giá bán ngay tại vườn đạt từ 20 – 22 nghìn đồng/kg.
Anh Trương Văn Điệp cho biết: Cây vải u trứng cho hiệu quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng và cây ăn quả khác. Nhiều năm nay, vườn vải trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Vườn vải đang được chăm sóc theo hướng hữu cơ giúp bền cây, sai quả và đạt chất lượng tốt trong những vụ tiếp theo.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế, cũng như anh Điệp, người dân Xã Nguyễn Úy đã phát triển mạnh cây vải u trứng trong những năm gần đây. Hầu hết các hộ trên địa bàn có diện tích đất vườn đều cải tạo phá bỏ cây tạp kém hiệu quả, thay thế bằng cây vải u trứng; đồng thời mở rộng trồng cây vải u trứng trên diện tích đất đa canh, đất chuyển đổi...
Bác Trần Thị Sinh (thôn Cát Thường) chuyển 6 sào đất sang trồng vải u trứng được 10 năm. Hiện vườn vải của bác bước vào giai đoạn cho quả ổn định. Mỗi sào vải của bác đạt giá trị hơn 10 triệu đồng/năm. Theo bác Sinh, trồng cây vải u trứng không mất công chăm sóc nhiều như các cây trồng khác. Việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, vải đưa đến điểm tập trung là có thương lái mua.
Qua sản xuất của người dân cho thấy, cây vải u trứng trồng tại đất Nguyễn Úy cho chất lượng ngon không thua kém những vùng nổi tiếng của Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương… Vải u trứng thu hoạch sớm ngay đầu vụ nên đạt giá bán cao gấp 2 – 3 lần các loại vải cho quả chính vụ. Sản phẩm vải u trứng của xã phần lớn được thương lái về thu mua đưa đi nhiều tỉnh, thành phố, kể cả đưa vào tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. Về giá trị của cây vải u trứng được khẳng định, so với cấy lúa cao gấp 5 – 7 lần, những vườn vải 20 năm tuổi cho giá trị gấp 10 lần. Chi phí sản xuất cho cây vải u trứng trong 1 năm chỉ chiếm khoảng 20% giá trị thu được.
Theo số liệu tổng hợp, hiện toàn Xã Nguyễn Úy trồng khoảng 54ha vải u trứng. Trong đó, 30 ha cây có tuổi đời từ 5 – 20 năm đang cho thu hoạch, còn lại là diện tích mới chuyển đổi từ diện tích đất lúa kém hiệu quả. Để bảo đảm thuận lợi cho sản xuất, Xã Nguyễn Úy đã quy hoạch gọn vùng chuyển đổi trồng vải u trứng có diện tích 23,92 ha, của 175 hộ. Tại vùng chuyển đổi có hơn 3 ha vải u trứng được người dân trồng sớm đã cho thu quả. Đặc biệt, xã đã thành lập HTX cây ăn quả Nguyễn Úy với 18 thành viên, chủ yếu là trồng vải u trứng.
Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc HTX cây ăn quả Nguyễn Úy cho biết: Việc thành lập HTX giúp gắn kết các hộ trồng cây ăn quả, chủ lực là cây vải u trứng trên địa bàn. Những thành viên đầu tiên là hạt nhân để hướng tới tập hợp thêm nhiều hộ sản xuất cùng tham gia. Đồng thời, HTX từng bước phát huy vai trò hỗ trợ các thành viên trong quá trình sản xuất, từ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung…
Để nâng tầm cho sản phẩm vải u trứng, Nguyễn Úy đang xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, tập trung tại diện tích chuyển đổi. Vải u trứng là sản phẩm tiềm năng để Nguyễn Úy xây dựng ý tưởng đăng ký công nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Khi sản phẩm vải u trứng được chứng nhận chất lượng đủ tiêu chuẩn đưa vào các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị sẽ nâng cao được giá trị. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người trồng vải tại địa phương.