Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

Ngày 10-5, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước năm 2023 và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trong Công an TPHCM.

Theo Phòng PC06, việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước là để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước hiện nay (Idencity Card - thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân); với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.

Quang cảnh hội nghị

Theo quy định mới của Luật căn cước, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước mới phải thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc học. Việc này bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới…

Dự thảo mặt trước thẻ căn cước dành cho công dân dưới 6 tuổi

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng Phòng PC06 cho biết, Luật căn cước sẽ có hiệu lực từ 1-7-2024. Việc đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì điều 46 Luật này đã có quy định. Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân (CMND), thẻ Căn cước công dân (CCCD) vẫn còn nguyên hiệu lực pháp luật.

Các đại biểu dự hội nghị

Bên cạnh đó, khoản 2 điều 38 Luật căn cước quy định, người dân không phải nộp phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu. Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước sẽ không tác động, ảnh hưởng đến các giấy tờ pháp lý có thể hiện thông tin số CMND, số CCCD (công dân không phải thực hiện cấp đổi, cấp lại các giấy tờ này); đồng thời, thẻ CCCD còn giá trị sử dụng có giá trị như thẻ căn cước cho đến khi hết giá trị (công dân không cần làm thủ tục cấp đổi lại thẻ căn cước công dân).

Về quy định giấy chứng nhận căn cước là một điểm mới đáng lưu ý trong Luật căn cước. Tại khoản 12 điều 3 Luật này quy định, giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định.

Dự thảo mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Khi người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, cá nhân không được yêu cầu công dân này xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước nếu thông tin của người đó không thay đổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Những điểm mới của Luật căn cước

1. Chính thức đổi tên CCCD sang thẻ Căn cước;

2. "Khai tử" CMND từ ngày 1-1-2025;

3. Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ căn cước;

4. Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;

5. Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;

6. Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 1-7-2024;

7. Từ ngày 1-7-2024, công dân sẽ có căn cước điện tử;

8. Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước;

9. Thủ tục cấp thẻ căn cước: phải lấy sinh trắc học mống mắt với các trường hợp công dân trên 6 tuổi;

10. Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-goc-viet-nam-chua-xac-dinh-duoc-quoc-tich-duoc-cap-giay-chung-nhan-can-cuoc-post739264.html