Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

Thực hiện song song hai 'sứ mệnh' giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, đào tạo nghề, những năm qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đoan Hùng tham gia lớp Kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính.

(baophutho.vn) - Thực hiện song song hai “sứ mệnh” giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, đào tạo nghề, những năm qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục văn hóa kết hợp đổi mới đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về hiệu quả hoạt động ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đoan Hùng hiện có 18 lớp với 792 học sinh, tăng 6 lớp và 295 học sinh so với năm học 2016-2017. Trong công tác giáo dục thường xuyên, hai năm học gần đây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt 100%. Công tác đào tạo nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”, thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động. Qua đó, giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế để tìm kiếm việc làm. Anh Nguyễn Văn Hoàn đã tìm được việc làm ở Xưởng sửa chữa điều hòa - điện lạnh xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng sau khi tốt nghiệp lớp Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí năm 2018-2019 với thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ: “Khi đang học THCS, gia đình đã định hướng cho tôi học nghề kết hợp học văn hóa. Sau khi học xong, tôi đã tìm được công việc phù hợp tại địa phương. Mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, đủ để đảm bảo cuộc sống”.

Anh Nguyễn Văn Hoàn tìm được việc làm ở Xưởng sửa chữa điều hòa - điện lạnh xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng sau khi tốt nghiệp lớp Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí năm 2018-2019 với thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/ tháng

Ông Đặng Ngọc Thắng - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đoan Hùng cho biết: “Hàng năm có khoảng hơn 80% học sinh sau khi tốt nghiệp được các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện nhận vào làm việc với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Số còn lại đều áp dụng kiến thức được học để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đầu tư các cửa hàng dịch vụ; mở rộng quy mô trang trại trồng trọt, chăn nuôi... để từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở địa phương”.

Tại Trung tâm GDNN - GDTX Cẩm Khê, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, song công tác dạy học văn hóa và đào tạo nghề những năm qua đã có nhiều khởi sắc cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Từ năm 2016 đến nay, đã có 548 học sinh sau khi tốt nghiệp đã có bằng trung cấp, tập trung chủ yếu ở các nghề như: Điện tử công nghiệp; may công nghiệp; sửa chữa máy nông nghiệp… Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã mở 56 lớp đào tạo sơ cấp nghề cho gần 1.500 học viên. Trong đó có 28 lớp đào tạo về nông nghiệp, 28 lớp đào tạo phi nông nghiệp, tỉ lệ lao động có việc sau học nghề đạt trên 90%, kịp thời cung cấp nguồn lao động có tay nghề ổn định cho các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài huyện với mức thu nhập trung bình từ 6-9 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí việc làm.

Giám đốc GDNN - GDTX huyện Cẩm Khê Bùi Bá Đạt khẳng định: “Những năm gần đây, công tác giáo dục văn hóa kết hợp đào tạo nghề đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Học viên thực hiện được “mục tiêu kép” vừa tốt nghiệp THPT, vừa có nghề trong tay để làm việc, từng bước phát triển kinh tế. Các lớp dạy nghề trên địa bàn huyện đã tạo cơ hội cho lao động nông thôn ở các xã còn nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có điều kiện nâng cao kiến thức về các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp... Từ đó, giúp họ tự tin phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương”.

Giờ học môn Vật lý học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Khê.

Để phát huy lợi thế “ba năm hai bằng”

Thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực để tạo sự hứng thú, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tự học của học sinh. Đồng thời, thực hiện thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, giúp các em vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo cho biết: “Trong ba năm qua, Phú Thọ luôn nằm trong tốp đầu địa phương có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao nhất trên cả nước. Kết quả đó đã khẳng định những nỗ lực của thầy và trò thuộc ngành học vô cùng khó khăn khi không được chọn đầu vào nhưng phải đảm bảo cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông hệ chính quy. Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vì vậy, các trung tâm cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ và chất lượng. Sở GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các địa phương xây dựng các phương án, chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo chất lượng dạy và học, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người”.

Hiện toàn tỉnh có 12 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, thị và Trung tâm GDTX tỉnh; Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh với hơn 580 cán bộ, quản lý, giáo viên và người lao động. Năm học 2020-2021 có gần 9.000 học viên, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT khối GDTX đạt 97,28%.

Bên cạnh việc dạy văn hóa, các trung tâm GDNN - GDTX cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phục vụ công tác đào tạo nghề cho học viên. Đến nay, các trung tâm có 214 phòng học kiên cố; 19 phòng bán kiên cố; ba phòng thí nghiệm; 12 thư viện; 19 phòng máy tính với hơn 240 giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Từ năm 2016 đến hết tháng 9/2021, các trung tâm GDNN - GDTX đã tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 18.005 lao động nông thôn; trình độ trung cấp cho 10.788 học sinh. Công tác liên kết, ký hợp đồng đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho các học viên sau khi học nghề đang là hướng đổi mới hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, tiêu biểu như: Trung tâm GDNN - GDTX Tân Sơn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Kaps Tex Vina, Công ty TNHH SLP Việt Nam; Trung tâm GDNN-GDTX Thanh Thủy phối hợp với Công ty Alim Global (Cụm công nghiệp Hoàng Xá - Thanh Thủy...).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cho biết: “Bên cạnh việc chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, dạy nghề, các Trung tâm cần chủ động, sáng tạo trong công tác giảng dạy và kết nối, liên kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho học viên. Hiện Sở đang chỉ đạo các trung tâm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, trong đó, tính đúng, tính đủ cho từng ngành nghề làm căn cứ đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của đối tác. Thời gian tới, mong muốn tỉnh có cơ chế phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH và các nhà đầu tư để cùng xây dựng kế hoạch tuyển dụng nguồn nhân lực, vừa đảm bảo các yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm ở địa phương”.

Việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề ở các trung tâm GDNN-GDTX được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS, giúp các em có được hai bằng sau khi tốt nghiệp. Qua đó, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, để nhiều lao động nông thôn “ly nông không ly hương”, có được việc làm với mức thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống.

Quốc Đại

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202110/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-giao-duc-thuong-xuyen-180512