Mỹ mua lại xưởng đóng tàu của Philippines có vị trí chiến lược ở Biển Đông

Trong một thương vụ chiến lược quan trọng, Công ty cổ phần tư nhân Cerberus của Mỹ sẽ mua lại Nhà máy đóng tàu Hanjin Subic tại một căn cứ hải quân cũ ở Philippines với giá 300 triệu USD.

Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu (LHA-5) được kéo khỏi vùng vịnh Subic năm 2014. Ảnh: Reuters

Tàu tấn công đổ bộ USS Peleliu (LHA-5) được kéo khỏi vùng vịnh Subic năm 2014. Ảnh: Reuters

Nhà máy đóng tàu Hanjin Subic được xem như một địa điểm chiến lược quan trọng vì sở hữu bến cảng nước sâu và dễ dàng tiếp cận Biển Đông từ đây.

Cho đến năm 1992, cơ sở này từng là nơi Mỹ đóng quân. Căn cứ Hải quân Subic cũng là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Theo một nguồn thạo tin, Hải quân Philippines đang có kế hoạch thuê lại của Cerberus một phần ba diện tích nhà máy đóng tàu để làm căn cứ riêng.

Trang Asia Times đưa tin thương vụ này sẽ được hoàn tất vào ngày 15/4 sau một quá trình đàm phán kéo dài. Có ít nhất 8 công ty nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua lại nhà máy đóng tàu bị vỡ nợ này, trong đó có công ty Austal của Australia và hai công ty của Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng động thái mua lại nhà máy đóng tàu chiến lược trên có thể là dấu hiệu sớm cho thấy Hải quân Mỹ sẽ khôi phục lại sự hiện diện tại đây.

Mới đây, ông Jose Manuel Romualdez, Đại sứ Philippines tại Washington, phát biểu trước các phóng viên hôm 10/3 rằng quốc gia này sẵn sàng mở cửa cho quân đội Mỹ đồn trú và sẽ cho phép họ sử dụng bất kỳ tài sản nào của nước này mà không bị hạn chế, trong trường hợp xung đột Nga - Ukraine hiện nay bùng phát thành chiến tranh và lan sang khu vực châu Á.

Đức Trí/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/my-mua-lai-xuong-dong-tau-cua-philippines-co-vi-tri-chien-luoc-o-bien-dong-20220316113854853.htm