Mường Ảng chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

ĐBP - Thời tiết giao mùa; mưa, nắng thất thường khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút. Đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh (tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm…) phát triển. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y xã Búng Lao tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò trên địa bàn xã.

Có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi, đến nay huyện Mường Ảng có tổng đàn gia súc gần 42.000 con và gần 300.000 con gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời điểm giao mùa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức rõ tác hại của dịch bệnh, những thiệt hại đến sản xuất và sức khỏe con người; các quy định của pháp luật, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, từ đó tự giác chấp hành, chủ động khai báo khi có dịch xảy ra. Vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu gom và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật thực hiện cam kết: Không giấu dịch, không vứt xác động vật mắc bệnh, chết ra ngoài môi trường; không xả thải nước từ khu vực chăn nuôi, ao nuôi thủy sản bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng thuốc thú y trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Đồng thời cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Củng cố hệ thống giám sát, khai báo dịch bệnh và thông tin báo cáo dịch bệnh định kỳ, đột xuất; báo cáo cập nhật ổ dịch ở các cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, phố, bản, hộ chăn nuôi. Các ca nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, thủy sản phải được phát hiện, khai báo kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh. Vận động hộ chăn nuôi trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp (cây ngô, rơm rạ...) để dự trữ và ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng cho biết: Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện. Đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác về bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh dịch tả lợn Châu Phi, không gây hoang mang trong xã hội về tình hình dịch bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh. Xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin định kỳ 2 đợt trong năm cho đàn gia súc; triển khai thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Búng Lao là một trong những xã có số lượng đàn vật nuôi lớn của huyện Mường Ảng với 4.300 con gia súc, trên 27.000 con gia cầm. Chủ động phòng, chống bệnh cho đàn gia súc cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trong các cuộc họp bản, sinh hoạt chi bộ. Vận động các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn, gia đình anh Lò Văn Pản, bản Hồng Sọt, xã Búng Lao luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Anh thực hiện tiêm đủ vắc xin cho vật nuôi khi thời tiết giao mùa hoặc khi có khuyến cáo về tình hình các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi... Nhờ đó đàn lợn, gia cầm của gia đình anh phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện nay gia đình anh Pản đang duy trì trên 500 con gà vịt, 50 con lợn thương phẩm; tạo nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi trên 100 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/204817/muong-ang-chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi