Lý do khiến cổ động viên Croatia mang tiếng cực đoan, bạo lực
Hàng nghìn người hâm mộ bóng đá Croatia đã đổ về Đức để tham dự Giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2024. Những sự cố trong quá khứ đã khiến họ mang tiếng là những kẻ cực đoan cánh hữu dễ gây bạo lực. Liệu điều đó có đúng hay không?
Michalis Katsouris qua đời lúc mới 29 tuổi sau khi anh bị đâm nhiều nhát ở vùng ngoại ô Athens vào ngày 7-8-2023. Vụ tấn công xảy ra trong cuộc đụng độ giữa những cổ động viên Hy Lạp và Croatia trước trận đấu vòng loại Champions League giữa đội bóng địa phương AEK và Dinamo Zagreb. Các video ghi lại cảnh xô xát trên đường phố giữa hai nhóm đã lan truyền trên Internet. Cảnh quay này thậm chí còn khiến Dino Vukusic, một chuyên gia về hành vi của người hâm mộ tại Viện Khoa học Xã hội Ivo Pilar ở Zagreb, phải sửng sốt. “Đây là lần đầu tiên một nhóm người hâm mộ Croatia liên quan tới một vụ việc bi thảm, chết người như vậy”.
Lẽ ra, khoảng 200 thành viên của nhóm Bad Blue Boys, một trong những nhóm cổ động viên cực đoan khét tiếng nhất ở châu Âu, ngay từ đầu không nên được phép vào Hy Lạp. Họ bị cấm vào sân vận động để xem trận đấu. Khoảng 100 người Croatia đã bị bắt ngay sau vụ việc. “Rõ ràng là có điều gì đó không ổn. Bad Blue Boys có quy tắc nghiêm cấm mang theo vũ khí lạnh”, chuyên gia Dino Vukusic cho biết.
Chính quyền Hy Lạp không tìm thấy bằng chứng buộc tội bất kỳ nhóm cổ động viên Croatia nào, bao gồm cả 5 nghi phạm chính. Tất cả đều đã được thả vào tháng 12-2023. Thủ phạm vẫn chưa được xác định. Cái chết của Michalis đã gây sốc cho toàn bộ cộng đồng bóng đá châu Âu. Ông Aleksandar Ceferin, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), tuyên bố rằng “căn bệnh ung thư” là nạn côn đồ phải sớm được giải quyết.
Như ông Vukusic giải thích, bạo lực là một phần không thể thiếu với những người cực đoan. Họ có những quy tắc và nghi lễ riêng, bất kể đó là vùng Balkan hay Tây Âu. Tuy nhiên, những người cực đoan Croatia có tiếng xấu đặc biệt - vì bị cáo buộc là những người cực đoan cánh hữu, do một số vụ việc xảy ra trong những năm gần đây.
Tháng 3-2015, người hâm mộ Croatia gây chú ý với những tiếng hô vang phân biệt chủng tộc tại vòng loại Giải vô địch châu Âu ở Na Uy. UEFA đã buộc Croatia phải chơi trận tiếp theo với Italia mà không có cổ động viên. Đêm trước trận đấu, sân thi đấu đã bị đốt bằng một loại chất hóa học. Kết quả, UEFA trừ Croatia 1 điểm trong vòng loại, phạt 100.000 euro và đội tuyển quốc gia Croatia phải chơi thêm 2 trận sau cánh cửa đóng kín.
Vào năm 2022, Bad Blue Boys đã diễu hành qua trung tâm thành phố Milan vào năm 2022 trước trận đấu Champions League của Dinamo với AC Milan. Họ có kiểu chào giống hệt của Đức Quốc xã. Tại trận đấu hạng nhất Croatia giữa NK Rudes và Hajduk Split vào mùa hè năm 2023, một lá cờ Đức Quốc xã có in số “88” đã được trưng ra, ám chỉ lời chào “Heil Hitler”, hành vi có thể coi là phạm tội ở Đức.
Đêm định mệnh ở Athens đó cũng có thể là bước ngoặt trong bóng đá Croatia. Sau thảm kịch, Chính phủ Croatia đã hứa sẽ hành động nhanh chóng, với nhiều dự án mới dành cho người hâm mộ và tăng cường công tác phòng ngừa. Theo chuyên gia Vukusic, trong quá khứ nhiều sự việc đi quá xa bởi các bên không tổ chức đối thoại, cảnh sát lại thường phản ứng không cân xứng, do đó khuyến khích các phản ứng bạo lực từ những người quá khích. Giải pháp khả thi là cần một luật dành cho người hâm mộ cũng như cải thiện quy tắc ứng xử giữa những bên liên quan như cảnh sát, câu lạc bộ người hâm mộ, quản lý đội bóng…
Bất chấp những sự cố đã xảy ra trong quá khứ, ông Aleksandar Holiga, Tổng biên tập trang web thể thao Telesport cho biết, sẽ là một sai lầm khi quy chụp tất cả người hâm mộ Croatia đều cực đoan. “Những vụ bê bối như vậy xảy ra ở nhiều quốc gia và trong nhiều bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, điều cần thiết là đưa ra các biện pháp cụ thể để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự như ở Athens năm ngoái”, ông Aleksandar Holiga nhấn mạnh.
Theo DW