Làn sóng thép Trung Quốc khiến các nước Mỹ Latin dựng hàng rào thuế quan

Mối quan hệ nồng ấm giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đang bị thử thách khi thế giới dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất thép địa phương...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Các nước Mỹ Latin đang nối tiếp nhau hành động giống như Mỹ và châu Âu, áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dù mối quan hệ giữa các quốc gia này với Bắc Kinh cho tới gần đây vẫn nồng ấm - theo hãng tin Bloomberg.

Trong mấy tuần gần đây, Mexico, Chile và Brazil đã tăng thuế quan - thậm chí có trường hợp tăng hơn gấp đôi - đối với các sản phẩm thép Trung Quốc. Columbia có thể sắp có động thái tương tự.

Việc các nước Mỹ Latin áp thuế quan lên hàng Trung Quốc có vẻ như thiếu hợp lý, xét tới việc Trung Quốc đã ra sức tăng cường mối quan hệ với khu vực này trong những năm gần đây. Trung Quốc đã trở thành nước mua nhiều nhất nguyên vật liệu thô của Mỹ Latin và là một nhà đầu tư lớn của khu vực. Cùng với đó, Mỹ Latin mở ra cho Trung Quốc một thị trường khác để bán hàng hóa khi Trung Quốc đương đầu với hàng rào thuế quan cứng rắn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc hiện xuất khẩu gần 10 triệu tấn thép mỗi năm, trị giá khoảng 8,5 tỷ USD, sang Mỹ Latin, tăng mạnh từ mức chỉ 80.500 tấn vào năm 2000 - theo hiệp hội thép Mỹ Latin Alacero.

Giờ đây, mối quan hệ nồng ấm này đang bị thử thách khi thế giới dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc đe dọa sự tồn tại của các nhà sản xuất thép địa phương, đặt 1,4 triệu công việc trong ngành này trước rủi ro.

“Đây là một ‘bài kiểm tra’ quan trọng đối với lợi ích và các ý định của Trung Quốc. Đây cũng là một bài kiểm tra về quyết tâm của Mỹ Latin khi đối mặt với một đối tác kinh tế đặc biệt quan trọng”, Giám đốc Margaret Myers của Chương trình châu Á và Mỹ Latin thuộc tổ chức nghiên cứu Inter-American Dialogue nhận định.

NHỮNG RỦI RO TỪ VIỆC ÁP THUẾ QUAN

Brazil dự kiến sẽ sớm đưa ra một hệ thống hạn ngạch thuế quan nhằm ngăn chặn tình trạng thép hợp kim nhập khẩu được bán với mức giá có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong nước. Tuyên bố chính thức của Brazil không đề cập đến Trung Quốc, nhưng việc thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc vào Brazil tăng 62% trong năm ngoái lên mức 2,9 triệu tấn là nguyên nhân phía sau biện pháp này - theo tiết lộ của nguồn tạo tin.

“Đây là một tín hiệu gửi tới thế giới rằng Brazil có những phép tắc riêng và không phải là một vùng đất vô chủ”, ông Marco Polo de Mello Lopes - Chủ tịch hiệp hội thép Aco Brasil - phát biểu.

Tuy nhiên, việc phản ứng với Trung Quốc có thể đi kèm với những rủi ro, nhất là đối với những nền kinh tế nhỏ có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Đó là những nước phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc đối với các hàng hóa thô, từ quả cherry cho tới kim loại đồng.

Đã có nhiều ví dụ về việc Trung Quốc dừng nhập khẩu và dừng đầu tư khi phản ứng với các biện pháp thương mại mà nước này cho là không bình đẳng và đơn phương. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu đậu tương từ Argentina trong một thời gian ngắn để đáp trả việc nước này áp dụng các biện pháp chống bán phá giá trên diện rộng. Sau vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc đã cấm nhập hạt cải dầu từ hai công ty Canada.

Đối với Trung Quốc, còn có một nguy cơ nữa là sự hình thành của một mặt trận thống nhất chống lại hàng hóa xuất khẩu của nước này. “Có thể nói những nước đang phát triển này là chỉ báo chính xác hơn về tâm lý đối với Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Họ cho thấy rằng các bức tường bảo hộ chống lại hàng hóa Trung Quốc đang được dựng lên ở nhiều nơi khác nhau chứ không riêng gì các nước giàu”, ông Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định.

Xét trên nhiều phương diện, quan hệ thương mại của Mỹ Latin với Trung Quốc có tác động tích cực đối với khu vực.

Chẳng hạn, nền kinh tế Chile đã hưởng lợi nhiều từ việc xuất khẩu nguyên vật liệu thô sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc hàng thành phẩm. Chiến lược tự do thương mại của Chile, bao gồm các thỏa thuận thương mại xong phương với Trung Quốc và Mỹ, mở ra những thị trường khổng lồ cho các sản phẩm nho, rượu vang, cá hồi, bột gỗ và khoáng sản của nước này, giúp đưa Chile trở thành một trong những nền kinh tế giàu nhất khu vực.

Nhưng cũng giống như các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu thô khác, Chile gặp khó khăn trong việc cạnh tranh ở các thị trường hạ nguồn, chẳng hạn trong việc biến lithium thô thành linh kiện pin hoặc quặng thép thành sản phẩm thép.

Đối với Brazil, việc sở hữu trữ lượng quặng sắt lớn nhất thế giới chưa đủ để các nhà sản xuất thép của nước này cạnh tranh với Trung Quốc, ngay cả khi Brazil đã phát triển được năng lực sản xuất thép nhất định.

Hãng khai khoáng Vale SA, công ty chuyên khai thác nguồn quặng sắt dồi dào từ những vùng đất đỏ của rừng Amazon của Brazil, là một minh chứng. Phần lớn sản lượng quặng sắt của Vale được vận chuyển trên quãng đường 10.000 dặm tới cảng Thanh Đảo của Trung Quốc và trở thành đầu vào cho những nhà máy luyện thép khổng lồ ở nước này. Tại những nhà máy ở Trung Quốc, quặng sắt Brazil được chế biến thành các sản phẩm thép hợp kim.

Vấn đề là khi một phần các sản phẩm thép này quay trở lại Brazil, chúng được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm tương tự sản xuất bởi các nhà máy thép ở Brazil thuộc sở hữu của những hãng thép như Gerdau, CSN và ArcelorMittal.

Ở Columbia, nơi thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang được bán với giá rẻ hơn 50% so với thép nội dịa, hãng thép Paz del Rio đã đề nghị Chính phủ tăng thuế quan nhập khẩu thép và giúp hãng có lãi trở lại. Dòng thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ đe dọa việc làm ở Columbia mà còn thay thế hoàn toàn thép nhập khẩu từ Brazil và Mexico - theo Paz del Rio. Trong kỳ 12 tháng tính đến hết tháng 4 năm nay, 94% thép dây nhập khẩu vào Columbia là thép đến từ Trung Quốc và Nga.

“Rủi ro lớn nhất là số thép này đang trở thành một minh chứng nữa cho lập luận rằng Trung Quốc đang xuất khẩu công suất dư thừa. Đây thực sự là một vấn đề vì thép Trung Quốc có thể khiến các nước đang phát triển chấp nhận câu chuyện về dư thừa công suất đó”, dù câu chuyện này ở những sản phẩm như ô tô điện chưa phải là một mối bận tâm của họ - ông Beddor nói.

TRUNG QUỐC SẼ KHÔNG TRẢ ĐŨA MẠNH TAY?

Cùng với đó, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng là một đối tác chủ chốt của các nước Mỹ Latin muốn đưa nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa cơ bản phát triển hơn về phía hạ nguồn. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khu vực Mỹ Latin và Caribbean, với số vốn khoảng 187,5 tỷ USD trong thời gian từ 2003-2022, trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông và khai mỏ - theo một báo cáo từ Inter-American Dialogue.

Gần đây, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục ở những lĩnh vực chủ chốt. Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) đã phát triển khá mạnh ở Argentina. Ở Brazil, hãng xe điện Trung Quốc BYD đang xây dựng nhà máy ngoài châu Á đầu tiên của hãng, và dự định sẽ công bố kế hoạch xây một nhà máy khác ở Mexico trước cuối năm nay. Ở Chile, BYD và Tsingshan đang phát triển các nhà máy sản xuất điện cực lithium. Từ 2005, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã đưa ra cam kết cho vay tổng cộng 136 tỷ USD cho khu vực.

Ngoài ra, dù lượng thép Trung Quốc vào thị trường Mỹ Latin là lớn đối với khu vực này và đe dọa các nhà máy thép địa phương, số thép đó mới chỉ chiếm khoảng 1% trong số 1 tỷ tấn thép mà Trung Quốc sản xuất mỗi năm. Tỷ lệ ít ỏi này có thể giảm thiểu nguy cơ làm mếch lòng Trung Quốc.

“Những nước này bây giờ có thể có đòn bẩy lớn hơn so với trước kia vì họ đã trở nên quan trọng hơn với tư cách là thị trường xuất khẩu cho nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc. Nhưng họ vẫn có sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, bởi vậy mà bên nào cũng muốn giữ được sự cân bằng mong manh”, ông Myers nhận định.

Đối với các nước sản xuất thép ở Mỹ Latin, việc áp thuế quan lên thép Trung Quốc vẫn chưa phải là một giải pháp hoàn hảo. Chẳng hạn, thuế quan mới của Chile sẽ đẩy cao chi phí trong ngành khai mỏ - lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước này - vì ngành này phải sử dụng những quả cầu lớn bằng thép để nghiền quặng.

“Cần phải thể hiện phản ứng với những vấn đề tiến thoái lưỡng nan mà toàn cầu hóa kinh tế gây ra. Nhưng đây không phải là một giải pháp căn cơ, mà chỉ mang tính chất tạm thời”, Giám đốc Francisco Urdinez của viện nghiên cứu Nucleo Milenio Iclac ở Chile nhận xét.

Về vấn đề bán phá giá thép, ông Humberto Barbato - người đứng đầu hiệp hội Abinee của ngành điện tử Brazil - cho rằng việc tăng thuế quan sẽ không đủ để giải quyết. Thay vào đó, ông cho rằng Chính phủ Brazil nên ưu tiên mua các sản phẩm có hàm lượng địa phương. “Trung Quốc có sự linh hoạt rất lớn để thay đổi giá cả”, ông nói.

Mặc dù nhà sản xuất thép hàng đầu Brazil là hãng Gerdau hoan nghênh hạn ngạch thuế suất mới của nước này, CEO Gustavo Werneck của hãng cảnh báo rằng cách này sẽ không giải quyết được các vấn đề dài hạn về khả năng cạnh tranh trong ngành công nghiệp địa phương, chẳng hạn như chi phí năng lượng cao.

“Trung Quốc sẽ biến xuất khẩu trở thành nguồn lực tài chính chủ đạo” cho quá trình chuyển đổi đất nước từ công nghiệp hóa sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nhiều hơn, ông Werneck nói với báo giới tại một cuộc họp báo.

Nhìn chung, các biện pháp bảo vệ ngành thép nội địa của Mỹ Latinh hạn chế hơn nhiều so với những đợt áp thuế quan ồ ạt mà cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện trong thời gian cầm quyền của ông. Theo Phó giáo sư Scott Waldron của Đại học Queensland, sự hạn chế đó sẽ dẫn tới khả năng cao là Trung Quốc chỉ tập trung vào các vụ kiện trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay vì triển khai các biện pháp trả đũa mạnh tay.

“Bất kỳ sự trả đũa nào cũng sẽ chỉ ở mức giới hạn thôi”, ông Beddor nhận xét. Ông nói thêm rằng giới chức Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế hoạt động sản xuất thép, và đây có thể sẽ là trọng tâm chính trong thời gian tới thày vì tìm cách trả đũa các đối tác thương mại.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lan-song-thep-trung-quoc-khien-cac-nuoc-my-latin-dung-hang-rao-thue-quan.htm