Làm và duyệt đề kiểm tra Ngữ văn, giáo viên đang chịu không ít áp lực

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH quy định: tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết.

Ngày 21/7/2022, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông đối với các lớp thực hiện chương trình 2018 ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông kể từ năm học 2022-2023.

Theo đó, Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đã thực hiện 03 học kì, mỗi học kì có 02 lần kiểm tra (giữa kì và cuối kì), như vậy đã có 06 bài kiểm tra Ngữ văn thực hiện theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH nhưng đã có một số đề kiểm tra bộc lộ bất cập.

Đã có nơi, học sinh phải kiểm tra học kì lại do đề sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa; cũng có nơi, giáo viên ra đề, người duyệt đề phải “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.

Thực tế, nhiều giáo viên trong ngành cho rằng, kỷ luật của cơ quan quản lý không “nặng” bằng phán xét của các “quan tòa” trên mạng xã hội. Vì vậy, người ra đề, duyệt đề kiểm tra môn Ngữ văn chưa bao giờ chịu nhiều áp lực như hiện nay.

Cô giáo Trịnh Thị Thanh (áo vàng) Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Cô giáo Trịnh Thị Thanh (áo vàng) Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu)

Cô giáo Trịnh Thị Thanh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Công văn 3175 của Bộ là cơ sở pháp lí về việc lựa chọn nguồn ngữ liệu trong kiểm tra, đánh giá đối với môn Ngữ văn theo Chương trình 2018.

Điều này là cần thiết và phù hợp với chủ trương đánh giá năng lực và phẩm chất của người học; đảm bảo thống nhất, đồng bộ với chương trình môn học; thể hiện sự tiến bộ, hiện đại trong tư duy về việc kiểm tra – đánh giá với môn Ngữ văn.

Quy định về việc lựa chọn nguồn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (ngoài tất cả các bộ sách hiện hành) là bước tiến và cũng là thử thách cho giáo viên Ngữ văn trong quá trình làm đề, duyệt đề mỗi lần kiểm tra, đánh giá.

Trao đổi với nhiều đồng nghiệp và một số tổ trưởng môn Ngữ văn, tôi thấy có nhiều áp lực mà chúng tôi phải vượt qua.

Để đáp ứng được các yêu cầu đó chúng tôi chắn chắn phải chịu nhiều áp lực. Ví dụ như: Áp lực từ trình độ chuyên môn của bản thân, liệu chuyên môn của mình có nhìn thấy, phát hiện “sạn” trong ngữ liệu? Áp lực từ việc tích lũy nguồn học liệu cần thiết, phù hợp với các mục tiêu kiểm tra đánh giá khác nhau; Áp lực về thời gian làm đề, duyệt đề và những yếu tố hỗ trợ khác; Áp lực vì sự kì vọng phải có tính mới, tính sáng tạo trong đề bài…

Riêng với việc duyệt đề, áp lực càng nặng hơn, người duyệt đề không chỉ phải quan tâm đến tính phù hợp của ngữ liệu mà còn phải đảm bảo độ chính xác, khoa học, phù hợp mục tiêu đánh giá của các câu hỏi…

Ngoài ra, điều khiến chúng tôi thấy áp lực là không phải ai và không phải lúc nào cũng có đủ tự tin về trình độ chuyên môn của mình.

Vì thế, việc duyệt đề, ra đề, thực sự rất cần những giáo viên có chuyên môn vững vàng để có thể thảo luận cùng người ra đề đưa ra các phương án lựa chọn ngữ liệu và câu hỏi tốt nhất.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, những áp lực đó là cần thiết, giáo viên buộc phải từng bước tự hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu của chương trình, không thể lấy lí do vì áp lực để biện minh cho những sai sót của mình, dù ai cũng có thể sai".

Vậy làm sao để tránh “sạn” cho đề kiểm tra? Cô Trịnh Thị Thanh chia sẻ: “Khi lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho 1 đề kiểm tra Ngữ văn, giáo viên ra đề và người duyệt đề cần nắm vững mục tiêu đánh giá, tính khoa học, tính phù hợp với mục tiêu đánh giá, độ chính xác trong thang đo năng lực và phẩm chất cần đạt so với chương trình giáo dục, sự phù hợp về đặc trưng bộ môn, phù hợp với tầm đón nhận của học sinh và rất nhiều những tiêu chí khác.

Thực tế, có rất nhiều ngữ liệu văn học khi thẩm định, do đặc trưng của sáng tạo văn học, thường không dễ để tường minh về thể loại, biện pháp tu từ, điểm nhìn kể chuyện, từ loại, cấu tứ…

Trong khi đó, công việc ra đề, duyệt đề, phản biện đề lại yêu cầu bảo mật, vai trò của cá nhân cao, nên việc ra đề, duyệt đề, phản biện đề có thể có sai sót là điều dễ hiểu, nhưng giáo viên phải chịu trách nhiệm để tự học, nâng cao chuyên môn cho mình”.

Để giáo viên có ngữ liệu tốt, phù hợp, cô giáo Trịnh Thị Thanh đề xuất: “Để hạn chế được những sai sót trong khâu lựa chọn ngữ liệu, xây dựng câu hỏi trong đề kiểm tra đánh giá môn văn theo chương trình Ngữ văn 2018, chúng tôi mong muốn được tập huấn trực tiếp bởi các chuyên gia về kiểm tra đánh giá, những giáo sư – tiến sĩ đầu ngành bộ môn Ngữ văn để trang bị kiến thức, kĩ năng nền tảng cho mọi giáo viên.

Bộ nên có chủ trương xây dựng ngân hàng ngữ liệu, thẩm định kĩ càng ở từng cấp với những tiêu chí rõ ràng về chuẩn ngữ liệu để giáo viên có thể dựa theo tiêu chí, tích lũy từng bước, tránh sự bị động khi được giao làm đề, duyệt đề.

Việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho giáo viên vẫn là việc quan trọng nhất, điều đó quyết định đến việc lựa chọn ngữ liệu hay xây dựng câu hỏi trong đề kiểm tra đáp ứng mục tiêu đánh giá của chương trình.

Vì thế nên có những chính sách khuyến khích cũng như những ràng buộc trách nhiệm để giáo viên tự học, tự đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của mình”.

Thầy giáo Phan Huấn, một giáo viên Ngữ văn đang công tác tại Hà Nội chia sẻ: “Khi ra đề, nếu mình lựa chọn thật kĩ lưỡng thì không có áp lực gì nhiều. Áp lực chỉ đến nếu giáo viên không cẩn thận, không nghiên cứu đầu tư; kĩ năng chọn ngữ liệu và ra đề còn yếu.

Để chọn được ngữ liệu “đẹp” tôi đề xuất một só giải pháp sau: thứ nhất cần nắm chắc chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước.

Thứ hai cần lựa chọn ngữ liệu của các tác giả uy tín với các đầu sách đã được xuất bản, đã được công khai, có bản in rõ ràng, ghi rõ nguồn ngữ liệu mình đã sử dụng.

Thứ ba, phải nắm chắc tinh thần đọc hiểu của tác giả sách giáo khoa và của Bộ với đọc hiểu theo 3 lớp câu hỏi: Nhận biết- thông hiểu; phân tích - đánh giá - lý giải; liên hệ-vận dụng.

Thứ tư, những cái gì nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi; những gì thiếu thẩm mĩ thì không nên chọn.

Thứ năm, đề ra phải vừa sức nhưng cần có câu hỏi nâng cao để kích thích và phát huy sự sáng tạo của học sinh nhất là học sinh khá và giỏi.

Theo tôi, Bộ ra đề minh họa cũng cần thiết cho giáo viên, học sinh ôn thi; nhưng nếu giáo viên cứ dạy, ôn một cách rập khuôn, máy móc theo đề minh họa của Bộ có thể triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh và chính mình.

Nếu giáo viên rập khuôn, cứ phải ra đề đọc hiểu 5 câu; ngữ liệu phải dưới 1300 chữ, như vậy rất cứng nhắc, gây áp lực cho chính mình.

Nên chăng, hàng năm Bộ không cho đề minh họa mà chỉ giới hạn các kiểu bài nghị luận; và hướng tới chú trọng đọc hiểu theo 3 lớp câu hỏi thì sẽ nâng cao và phát huy được hết năng lực của người học và người dạy”.

Người viết cũng đã trao đổi với một số đồng nghiệp, phần lớn đều có chung cảm nhận, thấy áp lực khi chọn ngữ liệu để ra đề kiểm tra, duyệt đề kiểm tra.

Một đồng nghiệp chia sẻ: “Kiểm tra Ngữ văn xong, cứ lo ngay ngáy, sợ học sinh chia sẻ đề lên mạng, bị cộng đồng mạng soi, chẻ tư sợi tóc thì mình lại khổ”.

Sơn Quang Huyến (Ghi)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lam-va-duyet-de-kiem-tra-ngu-van-giao-vien-dang-chiu-khong-it-ap-luc-post240434.gd