Khánh Sơn: Một cây dầu rái di sản bị chết

Hai cây dầu rái cổ thụ bên dòng sông Tô Hạp, đoạn chảy qua thôn A Pa 2 (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam vào năm 2019. Nhưng hiện tại, một trong hai cây đã bị chết và chính quyền địa phương đang lên phương án chặt hạ.

Chúng tôi nhận được thông tin của người dân về việc một trong hai cây dầu rái ở thôn A Pa 2 đã bị chết. Vội lên đến nơi, chúng tôi thấy một cây vẫn còn cành lá xanh, nhưng cây bên cạnh đã trơ thân, trụi lá. Theo thông tin được công bố trên bia đá về hai cây di sản thì cây lớn đã hơn 300 năm tuổi; chu vi gốc 7,8m; đường kính 2,5m; chiều cao 41m, tán rộng 27m x 32m. Còn cây nhỏ hơn 250 năm tuổi; chu vi gốc 5,9m; đường kính 1,9m; chiều cao 36m; tán rộng 21m x 26m. Hiện nay, chỉ cây dầu rái lớn lá vẫn xanh, còn cây nhỏ đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác định là đã chết.

Hai cây di sản Việt Nam bên dòng sông Tô Hạp đã bị chết một cây.

Hai cây di sản Việt Nam bên dòng sông Tô Hạp đã bị chết một cây.

Hai cây dầu rái cổ thụ, sừng sững bên dòng sông Tô Hạp đã gắn liền với lịch sử lâu đời của xã Thành Sơn, là biểu tượng của núi rừng Khánh Sơn hùng vĩ, gắn với đời sống tinh thần, tình cảm của đồng bào Raglai nơi đây. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, cây dầu rái nhỏ bị chết dần. Ngày 12-5-2022, UBND xã Thành Sơn có báo cáo gửi UBND huyện Khánh Sơn và các cơ quan chức năng của huyện về tình hình 2 cây di sản có hiện tượng khô cành, lá vàng rụng. Theo đó, lãnh đạo địa phương xác định hiện tượng này bắt đầu xảy ra từ tháng 4-2022, nhưng không rõ nguyên nhân. Xã đã dùng chế phẩm sinh học để kích rễ, trừ nấm tưới cho cây nhằm hạn chế cây bị thối rễ; đồng thời đề nghị áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để xử lý, khắc phục tránh cho cây chết. Ngày 12-7-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND huyện Khánh Sơn về việc kiểm tra, xử lý cây di sản Việt Nam tại địa bàn xã Thành Sơn. Trong đó, nhận định sơ bộ một trong các nguyên nhân làm cây dầu đôi bị rụng lá và khô có thể do tình trạng bê tông hóa nhiều gây yếm khí và nóng, nước ở gốc cây cũng khó thẩm thấu xuống bộ rễ, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng trầm trọng gây nên hiện tượng rụng lá, khô cây. Trên cơ sở văn bản phúc đáp của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 21-7-2022, UBND huyện Khánh Sơn đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp nhằm cứu cây. Trong đó, yêu cầu xã Thành Sơn phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, tiến hành cải tạo mở rộng bồn gốc cây ra đến tán; xới lớp đất mặt rồi tiến hành xử lý thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ nấm bệnh gây hại rễ; thuê các tổ chức, đơn vị có chuyên môn, dụng cụ để tiến hành kiểm tra, đánh giá phần thân, cành trên cao, cắt tỉa cành nhánh bị khô, bị sâu; đối với cây dầu có kích thước lớn hơn ở bên cạnh cũng cần có biện pháp xử lý tương tự.

Thân cây dầu rái 250 tuổi đã khô khốc, trơ trụi cành.

Thân cây dầu rái 250 tuổi đã khô khốc, trơ trụi cành.

Theo ông Mấu Anh Tuyên - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND huyện, xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá lại thực trạng của cây dầu rái nhỏ và vẫn thấy vỏ cây còn xanh nên đã thực hiện theo đúng các nội dung như được hướng dẫn. Diện tích bê tông, gạch lát nền xung quanh gốc cây đã được gỡ bỏ, đồng thời tiến hành tưới thuốc bảo vệ thực vật theo đúng hoạt chất, liều lượng. Tuy nhiên, kết quả vẫn không thể cứu được cây dầu rái nhỏ. “Khi chúng tôi tiến hành các biện pháp để cứu cây dầu rái nhỏ thì nhận thấy cây dầu rái lớn cũng có hiện tượng rụng lá nhiều nên đã tiến hành áp dụng các biện pháp cứu cây này luôn. Chính vì thế, sau một thời gian, cây dầu rái lớn đã xanh lá trở lại”, ông Tuyên cho biết thêm.

Hai cây dầu rái đã đồng hành bên nhau cả trăm năm.

Hai cây dầu rái đã đồng hành bên nhau cả trăm năm.

Ngày 16-6, trong thông báo kết luận cuộc họp thường kỳ tháng 5-2023 của UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã giao UBND xã Thành Sơn phối hợp với Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lập biên bản xác định sự việc cây dầu rái đã chết; thuê đơn vị có kinh nghiệm chặt hạ cây chết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và thay thế cây khác vào vị trí cây đã chết; có phương án bảo quản, xin ý kiến thanh lý theo quy định. Trên cơ sở thông báo này, xã Thành Sơn đang tiến hành các bước cần thiết để thực hiện việc chặt hạ cây dầu rái đã bị chết.

Cây dầu rái có tên gọi khác là dầu nước, dầu trai, tên khoa học là Dipterocarpus alatus Roxb, thuộc họ dầu. Đây là cây gỗ lớn, cao tới 30-40m. Cây dầu rái phân bố trong rừng nhiệt đới ẩm ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, loài cây này thường quần tụ dọc bờ sông.

NHÂN TÂM - VĨNH THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202308/khanh-son-mot-cay-dau-rai-di-san-bi-chet-e2a52ea/