Hướng tới nền nông nghiệp xanh

Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, chủ động ứng phó với diễn biến giá cả ngày càng khó lường, mà còn hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã đặt ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiều mô hình hiệu quả

Vụ Xuân năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội phối hợp với UBND xã Quất Động, huyện Thường Tín triển khai mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên cây lúa trên diện tích 10 sào. Sau 3 tháng áp dụng quy trình sản xuất và chăm bón nghiêm ngặt, đúng thời vụ, bà con đã gặt hái một vụ lúa bội thu khi năng suất của mô hình sử dụng phân bón hữu cơ cao hơn so với ngoài mô hình 52kg/sào. Vì vậy, tuy chi phí sản xuất tương đương nhau, song hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn đối chứng 287.000 đồng/sào (tương đương 9 triệu đồng/ha).

Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên cây lúa ở xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thu Hậu

Bên cạnh đó, điểm nổi bật của mô hình này là giảm được lượng lúa giống, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, tạo ra sản phẩm lúa sạch, an toàn cho người sản xuất, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội cho biết, thành công của mô hình là tiền đề để đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương chuyển đổi sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới.

Cũng nhằm thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ, từ tháng 9 - 12.2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 4 mô hình thu gom xử lý rác rau, rác hoa làm phân bón hữu cơ; trong đó 1 mô hình quy mô doanh nghiệp, 3 mô hình quy mô nông hộ. Kết quả các mô hình sau khi ủ 40 - 60 ngày, các chỉ tiêu dinh dưỡng về hàm lượng đạm, lân, kali và hữu cơ tổng số (OC) trong mẫu phân ủ đều tăng lên cao hơn so với số liệu phân tích ban đầu trước ủ. So với TCVN 7185:2002 về phân hữu cơ vi sinh vật thì các chỉ tiêu phân tích đều đạt theo quy định.

Về hiệu quả kinh tế của mô hình, 1 tấn rác rau, hoa sau khi ủ thu được 0,45 - 0,5 tấn phân hữu cơ. Với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg phân hữu cơ, mô hình thu lợi nhuận từ 550.000 - 878.000 đồng/tấn phụ phẩm. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc tận thu nguồn phụ phẩm làm phân bón giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình, Chi cục đã xây dựng và hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý rác rau, hoa làm phân bón hữu cơ để bà con trong tỉnh thực hiện.

Không chỉ là mô hình và không chỉ ở Lâm Đồng, Hà Nội mà tại nhiều địa phương trên cả nước, với sự thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ của ngành bảo vệ thực vật, rất nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ và tận dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi…, tự sản xuất phân bón hữu cơ và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Hướng đến mục tiêu cao hơn

Suốt thời gian qua, nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, tự sản xuất phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả đã được Cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Lãnh đạo Cục cho rằng, đây là giải pháp hết sức thiết thực, hiệu quả để thay đổi thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, gây lãng phí, tăng chi phí đầu vào trong trồng trọt hiện nay.

Sự chuyển hướng của nông dân được minh chứng bằng việc tiêu thụ phân bón hữu cơ tăng rõ rệt và có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo thống kê từ các địa phương và doanh nghiệp, tổng lượng phân bón hữu cơ cả nước sử dụng năm 2021 khoảng 20 triệu tấn. Trong đó phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp là 2,9 triệu tấn - tăng gần 2,7 lần so với năm 2017 và khoảng 17 triệu tấn là phân bón hữu cơ nông hộ tự sản xuất (phân chuồng, phân xanh, phân ủ). Thành quả này cũng là nhờ Cục Bảo vệ thực vật đã có những bước đi hết sức bài bản và "từ sớm từ xa" trong việc phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Hiện nay số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành và công suất sản xuất của các nhà máy không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, nhờ đó nâng cao công suất và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ các nước tiên tiến.

Không dừng lại ở đây, ngành nông nghiệp nói chung và ngành bảo vệ thực vật nói riêng đang hướng đến mục tiêu cao hơn. Trong Kế hoạch hành động thực hiện tăng cường tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu đặt ra rất cụ thể. Đó là, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên 25% so với tổng số sản phẩm phân bón; nâng công suất sản xuất phân bón của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 1,25 lần (5 triệu tấn/năm); lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.

Để đạt những mục tiêu này, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ bằng việc hỗ trợ công nhận lưu hành phân bón hữu cơ không phải khảo nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký mới, mở rộng quy mô, nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ; nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm; tập huấn sử dụng phân bón...

Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, chủ động ứng phó với diễn biến giá cả ngày càng khó lường mà còn hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã đặt ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/huong-toi-nen-nong-nghiep-xanh-i338403/