Hơn 80 quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan vào năm 2030

Hôm thứ Ba (2/11), hàng chục quốc gia đã cùng Mỹ và Liên minh Châu Âu cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mêtan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất - trong thập kỷ này, trong cam kết khí hậu quan trọng nhất cho đến nay tại COP26.

Sáng kiến mà các chuyên gia cho rằng có thể có tác động mạnh mẽ trong ngắn hạn đối với sự nóng lên toàn cầu, được đưa ra sau một thông báo trước đó vào ngày 2/11, trong đó hơn 100 quốc gia đồng ý chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Hơn 80 quốc gia đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 - Ảnh: Reuters

"Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm từ nay đến năm 2030, để giữ được 1,5 độ C, là giảm lượng khí thải mêtan càng sớm càng tốt", Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến mục tiêu trọng tâm của thỏa thuận Paris 2015.

Với việc cho đến nay đã được hơn 80 quốc gia ký kết, ông Biden gọi đây là một "cam kết thay đổi cuộc chơi", bao gồm các quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí mêtan toàn cầu.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng việc cắt giảm khí mêtan sẽ "ngay lập tức làm chậm biến đổi khí hậu".

Bà nói: “Chúng ta không thể đợi đến năm 2050. Chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng và mêtan là một trong những loại khí mà chúng ta có thể cắt giảm nhanh nhất”.

Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đang tập trung tại Glasgow cho cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao kéo dài hai ngày mà nước chủ nhà Anh hy vọng sẽ khởi động hành động khí hậu đầy tham vọng trong suốt hai tuần COP26.

Các nhà tổ chức cho biết hoạt động ngoại giao con thoi và đàm phán tích cực sau đó sẽ là yếu tố quan trọng đối với khả năng tiếp tục tồn tại của Thỏa thuận Paris 2015 và mục tiêu của nó là hạn chế nhiệt độ tăng lên từ 1,5 đến 2 độ C.

Trong khi ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh trôi qua với nhiều tuyên bố mạnh mẽ, nhưng chỉ là những cam kết làm giảm sự nóng lên của trái đất, thông báo cụ thể hôm thứ Ba (2/11) đã được các nhà vận động hoan nghênh rộng rãi.

Tác động của khí mêtan còn mạnh nhiều so với khí thải CO2 - Ảnh: PA

Tác động của khí mêtan mạnh hơn CO2

Nhiều thập kỷ cam kết về khí hậu đã bắt nguồn từ việc giảm lượng khí thải carbon dioxide. Tuy nhiên, mêtan (CH4) mạnh gấp hơn 80 lần so với CO2, và các nguồn của nó, chẳng hạn như các mỏ than lộ thiên và chăn nuôi, đã được chú ý tương đối ít cho đến nay.

Tháng trước, Liên Hợp Quốc cho biết lượng khí thải mêtan toàn cầu có thể giảm 20% với chi phí thấp, hoặc miễn phí bằng cách sử dụng các phương pháp hoặc công nghệ hiện có.

Một báo cáo từ đầu năm nay cho thấy rằng các biện pháp giảm khí mêtan đề ra có thể làm giảm 45% mức CH4 phát ra vào năm 2030.

Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cho biết, điều này sẽ giúp giảm 0,3 độ C, cứu 1/4 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí và tăng sản lượng cây trồng toàn cầu thêm 26 triệu tấn.

Helen Mountford, từ Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết: “Việc cắt giảm lượng khí thải mê-tan là điều cần thiết để giữ cho sự nóng lên toàn cầu không vi phạm 1,5 độ C”.

"Hành động mạnh mẽ và nhanh chóng để cắt giảm phát thải khí mêtan mang lại một loạt lợi ích, từ việc hạn chế sự nóng lên trong thời gian ngắn và hạn chế ô nhiễm không khí đến cải thiện an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng tốt hơn", bà Mountford nói thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới cam kết tài trợ hàng tỷ USD cho các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh: AP

Vấn đề tài chính

Trước đó, các nước đã cam kết trị giá hàng tỷ đô la sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Tuy nhiên, lời hứa này đã vấp phải sự hoài nghi từ các nhóm môi trường khi mục tiêu này phần lớn giống với một cam kết tương tự của hơn 200 quốc gia và tổ chức vào năm 2014.

Chính phủ Anh cho biết kế hoạch huy động khoảng 20 tỷ đô la tài trợ công và tư đã được hơn 100 nhà lãnh đạo, đại diện cho hơn 85% rừng trên trái đất tán thành.

Hiệp ước thượng đỉnh nhằm "ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng và suy thoái đất vào năm 2030", bao gồm những lời hứa đảm bảo quyền của người dân bản địa, đồng thời ghi nhận "vai trò của họ như những người bảo vệ rừng".

Trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả cam kết là "chưa từng có", một cuộc họp về khí hậu của Liên hợp quốc tại New York vào năm 2014 đã đưa ra một tuyên bố tương tự để chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Một đánh giá vào đầu năm nay cho thấy rằng bảy năm sau hiệp định, hầu như không có chính phủ nào hoàn thành trách nhiệm của họ.

Cây cối tiếp tục bị chặt ở quy mô công nghiệp, đặc biệt là ở rừng Amazon dưới thời chính phủ cực hữu của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Con người đã chặt phá một nửa diện tích rừng trên Trái đất, một hành vi gây hại gấp đôi cho khí hậu khi những cây hút CO2 được thay thế bằng vật nuôi hoặc cây trồng độc canh.

Danh sách mục tiêu của COP26 vẫn còn nhiều và khó khăn, với áp lực buộc các nhà lãnh đạo phải cam kết khử cacbon nhanh hơn và cung cấp hàng tỷ USD cho các quốc gia đang đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Phan Nguyên (Theo France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-80-quoc-gia-cam-ket-cat-giam-30-luong-khi-thai-metan-vao-nam-2030-post164846.html