Hỗ trợ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở phù hợp với thực tế

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, bên cạnh những kết quả đạt được đã bộc lộ một số bất cập như: mức phụ cấp, bồi dưỡng và mức khoán kinh phí còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 120/2023/NQ-HĐND tỉnh ngày 7/12/2023 (Nghị định số 120) để điều chỉnh mức phụ cấp hỗ trợ và khoán kinh phí hoạt động đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn và tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, ở thôn trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế.

Cán bộ Hội Nông dân Phường 5, TP. Đông Hà có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân - Ảnh: HẢI PHI

Cán bộ Hội Nông dân Phường 5, TP. Đông Hà có nhiều hoạt động hỗ trợ cho người dân - Ảnh: HẢI PHI

Việc ban hành Nghị quyết 120 của HĐND tỉnh cũng là nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và thực hiện việc bố trí, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Theo đó, mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm: phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phó bí thư xã đoàn - chủ tịch hội liên hiệp thanh niên xã, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã, văn thư lưu trữ, tham mưu giúp việc cho đảng ủy, nhân viên thú y, phó chủ tịch các hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, chữ thập đỏ, người phụ trách công tác thông tin tuyên truyền... quy định căn cứ vào trình độ chuyên môn, tính chất, khối lượng công việc của mỗi chức danh mà có mức phụ cấp cao nhất là 1,5 và thấp nhất là 1,3 mức lương cơ sở.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố mức phụ cấp cũng dựa vào trình độ chuyên môn và tính chất phức tạp của từng thôn, tổ dân phố mà có mức cao nhất là 1,4 và thấp nhất là 1,1 mức lương cơ sở. Mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố gồm: chi hội trưởng các chi hội: cựu chiến binh; nông dân; phụ nữ, người cao tuổi và bí thư chi đoàn bằng 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng.

Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo; thôn, tổ dân phố sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết 21/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, khu phố thì các chức danh: phó bí thư chi bộ hoặc phó bí thư đảng bộ bộ phận và phó trưởng thôn hoặc phó tổ trưởng tổ dân phố được hỗ trợ bằng 0,55 mức lương cơ sở/người/tháng; chức danh phó trưởng ban công tác Mặt trận được hỗ trợ bằng 0,5 mức lương cơ sở/ người/tháng.

Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách khác thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố mà giảm người thì được hưởng 100% mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm.

Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã gồm: ủy ban MTTQ Việt Nam, hội nông dân, hội LHPN, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên được khoán kinh phí hoạt động 15 triệu đồng/tổ chức/năm.

Các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố gồm: ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, các chi hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên được hỗ trợ kinh phí hoạt động 2,5 triệu đồng/tổ chức/năm (đối với thôn đặc biệt khó khăn) và hỗ trợ 2 triệu đồng/tổ chức/năm (đối với các thôn, tổ dân phố còn lại).

Đối với chức danh công an viên (bán chuyên trách) ở thôn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị quyết 26/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Về mức hỗ trợ và cấp kinh phí cho công tác thú y tại Nghị quyết 161/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ hết hiệu lực thi hành khi Nghị quyết 120/2023/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Kinh phi hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách do ngân sách nhà nước chi trả, trong đó phần tăng thêm do tính chất đặc thù của địa phương do ngân sách tỉnh chi trả.

Việc nâng mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, khu phố đã kịp thời động viên những lực lượng này là cánh tay nối dài cho cấp ủy, chính quyền ở cơ sở hoạt động tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an ninh chính trị xã hội ở cơ sở.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/ho-tro-phu-cap-cho-nguoi-hoat-dong-khong-chuyen-trach-o-co-so-phu-hop-voi-thuc-te/182191.htm