Hạn chế thanh toán tiền mặt khi mua bán vàng: Đề phòng rủi ro, chống rửa tiền

Trước đề xuất về hạn chế thanh toán tiền mặt đối với mua bán vàng miếng, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng.

Trong đó, giải pháp đáng chú ý là rà soát các cơ sở kinh doanh vàng đủ điều kiện để thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Đề xuất hạn chế thanh toán tiền mặt đối với mua bán vàng miếng. (Ảnh minh họa)

Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc, đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với kinh doanh vàng

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Trước đó, khi góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM đã đưa ra đề xuất hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.

Cụ thể, cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng, chống hoạt động rửa tiền…

Đồng tình với kiến nghị trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng cũng là thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ.

Bởi theo ông Hiếu, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác… đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu. Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức. Chính vì vậy, khi mua vàng miếng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lên 400 triệu đồng mới thanh toán không dùng tiền mặt.

“Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay thì không những vàng miếng mà những giao dịch vàng khác cũng nên thực hiện chuyển khoản”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Cũng theo TS. Hiếu, quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt khi mua bán vàng sẽ không làm cho thị trường vàng trầm lắng mà chủ yếu tác động tới các đơn vị kinh doanh vàng.

"Từ trước đến nay, các đơn vị kinh doanh vàng sử dụng tiền mặt nhiều để tránh cơ quan thuế nắm doanh thu, giảm số thuế phải đóng. Ngoài ra, tiệm vàng còn có hoạt động mua bán ngoại tệ, nhiều nơi là trái phép nên nếu áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ khó khăn. Những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp cho hoạt động phòng chống rửa tiền tốt hơn", TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch

Sau yêu cầu của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản gửi các bộ, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó nhấn mạnh phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch vàng.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/han-che-thanh-toan-tien-mat-khi-mua-ban-vang-de-phong-rui-ro-chong-rua-tien-post1093053.vov