Chăn nuôi bò: Khó khăn chồng chất
Từ cuối năm 2021 đến nay, giá bò hơi giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng. Nghịch lý này khiến người nuôi bò ở Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ phải chấp nhận giảm đàn hoặc không tiếp tục nuôi nữa.
Nhiều năm qua, ông Lê Văn Diệp (làng Hrak, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) chuyên vỗ béo bò để cung cấp cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Ông cho hay: Trước năm 2020, ông luôn duy trì đàn bò 40-60 con để cung cấp bò giống cho người chăn nuôi trong vùng và bò thịt cho các lò giết mổ ở TP. Pleiku cũng như các vùng lân cận.
Những năm đó, giá bò hơi trên thị trường khá cao, dao động ở mức 80-100 ngàn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi thấp nên người nuôi bò có lợi nhuận cao hơn so với nuôi các loài vật khác.
Song từ cuối năm 2021, giá bò hơi trên thị trường bắt đầu giảm còn 55-70 ngàn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng. Điều này khiến người nuôi bò lỗ 10-30 ngàn đồng/kg hơi, chưa kể công chăm sóc và chi phí mua các loại vắc xin phòng bệnh.
“Do giá bò hơi sụt giảm nên đầu năm 2024, gia đình tôi quyết định bán bớt 30 con cho thương lái ở tỉnh Kon Tum để giảm bớt chi phí. Hiện tại, trong chuồng chỉ còn lại 10 con, chủ yếu nuôi để lấy nguồn phân chuồng chăm sóc vườn sầu riêng và cà phê của gia đình.
Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ trong xã cũng đã giảm đàn. Thậm chí, một số hộ thua lỗ quá nặng nên không nuôi nữa”-ông Diệp bộc bạch.
Còn ông Nguyễn Đồng (thôn Tân Phú, xã Đăk Djrăng) chia sẻ: Khoảng 3 năm gần đây, giá bò hơi giảm sâu khiến nhiều hộ bị thua lỗ. Năm 2020, tôi có 2 con bò đực trọng lượng khá lớn được thương lái trả giá 97 triệu đồng nhưng không bán. Đến cuối năm 2023, tôi bán 2 con bò này nhưng chỉ còn được 57 triệu đồng.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn bò của tỉnh hiện có hơn 468.000 con (đạt 94,4% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái); đàn trâu hơn 14.000 con (đạt 98,86% kế hoạch, tăng 3,99%). Từ đầu năm đến nay, các trang trại, hộ chăn nuôi đã cung cấp ra thị trường khoảng 21.480 tấn thịt trâu, bò hơi (đạt 35,8% kế hoạch).
Từ đầu năm đến nay, giá bò hơi trên thị trường bắt đầu tăng lên 70 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn so với giá thành. Vì vậy, người nuôi bò vẫn còn lỗ. Theo một số hộ chăn nuôi bò, nguyên nhân giá bò hơi giảm là do thịt trâu, bò từ các nước nhập về Việt Nam có giá thấp hơn. Đặc biệt, một số tỉnh xuất hiện tình trạng nhập bò sống từ các nước trong khu vực dẫn đến giá bò hơi giảm.
Ông Trịnh Văn Tâm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Tâm (xã Hbông, huyện Chư Sê) thông tin: Hợp tác xã vẫn đang duy trì đàn bò 300-400 con, cung cấp bò giống, bò thịt cho người dân các địa phương trong và ngoài tỉnh. Gần đây, giá bò hơi tăng trở lại song mức tăng không đáng kể, trong khi giá bò giống vẫn cao hơn so với bò hơi và bò thịt.
Còn ông Lê Văn Vịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh thì cho biết: Hiện nay, người chăn nuôi gặp khó khăn do giá bò hơi giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Nhiều hộ chủ động giảm đàn.
“Trung tâm Giống vật nuôi khuyến cáo người nuôi bò tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch phát triển phù hợp, không giảm đàn ồ ạt dẫn đến nguồn cung bị đứt gãy; đồng thời, tập trung phòng-chống dịch bệnh và tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, giá bán, thức ăn chăn nuôi… để ngành chăn nuôi bò phát triển ổn định. Không những vậy, các địa phương nên thành lập các tổ hợp tác, liên kết chăn nuôi; kêu gọi doanh nghiệp liên kết đầu tư với người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững”-ông Vịnh nói.
Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho hay: Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong năm 2023 có hiện tượng nhập lậu trâu, bò sống qua biên giới tại một số tỉnh và một số doanh nghiệp chăn nuôi bò lớn tăng cường nhập khẩu bò sống và sản phẩm thịt trâu, bò từ các nước về Việt Nam tiêu thụ.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, do tác động của yếu tố dịch bệnh trên đàn heo nên người dân chuyển sang nuôi bò, dẫn đến số lượng đàn bò tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh giảm. Đây cũng là yếu tố khiến giá bò hơi giảm.
“Để ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững, người dân phải đảm bảo chuồng trại phù hợp, nắm rõ quy trình chăn nuôi, chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn, chủ động nguồn thức ăn dự trữ, tận dụng phế phụ phẩm từ trồng trọt làm thức ăn cho bò.
Bên cạnh đó, cần xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ thịt bò”-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chan-nuoi-bo-kho-khan-chong-chat-post277742.html