Hà Nội gỡ 'nút thắt' xây trường đạt chuẩn

Thực tế, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số, nhất là nội đô Hà Nội.

Hà Nội đang từng bước tháo gỡ khó khăn về công tác xây dựng trường học, trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh minh họa

Thực tế, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số, nhất là nội đô Hà Nội. Tình trạng thiếu trường lớp không chỉ tạo áp lực cho tuyển sinh đầu cấp, khi số học sinh tăng cao, mà còn khiến nhiều trường loay hoay với việc đạt chuẩn quốc gia.

Xây trường không theo kịp tăng dân số

Tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề quá tải trường học công lập.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng, báo cáo của UBND thành phố cho biết đến nay đã cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập, tiểu học công lập, THCS công lập. Đối với khu vực từ 30.000 - 50.000 dân có 1 trường THPT công lập” theo Nghị quyết 05/2012 của HĐND TP Hà Nội về quy hoạch phát triển giáo dục.

Tuy nhiên, một số phường thiếu một trong các trường (mầm non, tiểu học, THCS). Cụ thể, theo báo cáo của UBND Hà Nội, thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai).

Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao đề nghị lãnh đạo hai quận Hoàng Mai và Đống Đa trao đổi làm rõ, đưa ra giải pháp khắc phục bất cập trong tuyển sinh đầu cấp; giải pháp phân luồng, phân tuyến tránh quá tải.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Khánh Hưng nêu ý kiến, theo quy định thì cứ 30.000 - 50.000 dân cần bố trí một trường THPT.

Địa bàn quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân, cần có 6 - 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường.

Quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân, cần có 4 - 7 trường THPT, nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Việc thiếu trường lớp đã tạo áp lực cho ngành Giáo dục.

Lý giải về nguyên nhân quá tải trường lớp, bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội cho rằng, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới, dân số cơ học tăng nhanh.

Vì đó dù Hà Nội đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học, nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

Bà Hà cũng cho biết, vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập được HĐND TP Hà Nội giám sát nhiều kỳ, nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

Ông Lê Anh Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin, sau 10 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp.

Còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ...) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều.

“Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia…”, ông Lê Anh Quân chia sẻ.

Giải “bài toán” đất và vốn

Trả lời kiến nghị trên của đại biểu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đã tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học và khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập.

Quận Hoàng Mai đã điều tra số trẻ vào đầu năm học, từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% trường hợp đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Hiện, quận Hoàng Mai thiếu số lượng lớn trường học, vì thế giải pháp phải có đủ điều kiện về đất và vốn.

Về việc tăng số trường công lập, quận Hoàng Mai đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học. Đến nay, quận Hoàng Mai đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quận triển khai đầu tư xây dựng trường học. Thành phố khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cần tích hợp, điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, hiện nay quận cần 7 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia.

Quận Đống Đa đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới và có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - Nguyễn Xuân Lưu cho biết, khi sắp xếp tài sản công, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học. Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Tài chính đã tham mưu UBND TP Hà Nội bàn giao các cơ sở hành chính sự nghiệp chuyển sang xây dựng trường học.

“Quá trình thực hiện Sở Tài chính đã xin ý kiến Sở Xây dựng, Sở QH&KT theo hướng bất kỳ cơ sở Nhà nước nào thuộc khối hành chính, sự nghiệp khi có diện tích đủ xây dựng cơ sở giáo dục công lập thì bàn giao ngay cho chính quyền quận, huyện để lên phương án xây trường mà không nhất thiết phải điều chỉnh quy hoạch…”, ông Nguyễn Xuân Lưu thông tin.

Về quỹ đất xây dựng trường học, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội có 4 quận nội thành số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được thành phố và địa phương quan tâm.

Theo ông Phong, Hà Nội có quy định trên cơ sở về khả năng đáp ứng diện tích đất, giải quyết đảm bảo đủ lớp học cũng như phòng học chuyên đề cho học sinh. Thành phố chỉ đạo các quận triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó rà soát quỹ đất dành cho công trình giáo dục.

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-go-nut-that-xay-truong-dat-chuan-post658182.html