Giải đáp những băn khoăn xung quanh quy định mới về dạy thêm

Ngày 30-12-2024, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29), thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16-5-2012 (Thông tư 17), có hiệu lực từ ngày 14-2-2025, tác động không nhỏ đến hoạt động dạy học trong và ngoài nhà trường.

Quy định mới để ngăn ép buộc học thêm

Dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, mục đích ra Thông tư 29 nhằm quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định, hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quản lý hoạt động này.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương không tạo áp lực lên học sinh trong các kỳ thi, kiểm tra để hạn chế học thêm

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương không tạo áp lực lên học sinh trong các kỳ thi, kiểm tra để hạn chế học thêm

Bộ GD-ĐT cũng mong muốn thông qua quy định lần này để việc tổ chức dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên. Đặc biệt, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.

Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh), hình thành phẩm chất, năng lực qua cả quá trình học và hoạt động giáo dục; học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến; phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan; hình thành phương pháp, thói quen, khả năng tự học của học sinh.

Không học thêm có ảnh hưởng đến học sinh cuối cấp?

Trước sức ép về kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, em Nguyễn Minh Hoàng - học sinh THPT ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, em đang lo lắng khi nhà trường đã tạm dừng bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp để chờ điều chỉnh theo Thông tư 29. Các thầy cô đứng lớp cũng không được dạy thêm học sinh của mình, trong khi các trung tâm học thêm ngoài nhà trường đều khá xa nhà. Việc làm sao tranh thủ thời gian ôn thi để có thể thi được vào trường đại học mình mong muốn là điều Hoàng rất băn khoăn. Đây cũng là ý kiến đang được thảo luận của nhiều phụ huynh, học sinh trên cả nước khi đồng loạt các trường điều chỉnh hoạt động dạy và học theo Thông tư 29.

Phản hồi về thắc mắc này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GD-ĐT cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo hiệu quả, và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… để thời gian trong trường không chỉ là học kiến thức mà còn để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm, khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này, học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng. Do đó, Bộ GD-ĐT không cấm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

Trách nhiệm thực hiện không chỉ của nhà trường

Theo Bộ GD-ĐT, để quản lý một vấn đề “lớn và khó” như dạy thêm, học thêm và để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống thì cần có sự tham gia từ nhiều phía. Theo đó, từ phía Bộ GD-ĐT, sau khi ban hành Thông tư 29 và sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-2-2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ này đã tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD-ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.

Về phía UBND các tỉnh cần chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định; triển khai thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7-2-2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND tỉnh/Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT. Sở yêu cầu các đơn vị, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư 29; đồng thời báo cáo, thông tin kịp thời về Sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, đối với các nhà trường và thầy cô, trách nhiệm của chúng ta là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

Đặc biệt, đối với phụ huynh học sinh và xã hội, lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề dạy thêm, học thêm nói riêng, chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực. Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.

Vinh Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-dap-nhung-ban-khoan-xung-quanh-quy-dinh-moi-ve-day-them-post603566.antd