Hà Nội: Học sinh, phụ huynh sốt ruột ngóng môn thi thứ 3 vào lớp 10
Hiện đã có hơn 40 tỉnh, thành công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10. Theo các phụ huynh, việc công bố sớm môn thi sẽ giúp học sinh giảm bớt áp lực ôn tập.

Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)
“Hiện đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước công bố môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng Hà Nội vẫn chưa thấy ‘động tĩnh’ gì, tôi sốt ruột như ngồi trên đống lửa,” chị Nguyễn Thị Thương, quận Hà Đông, Hà Nội nói.
Vừa học, vừa ngóng môn thi
Chị Thương cho hay con gái chị có sở trường các môn khoa học xã hội, vừa đạt học sinh giỏi cấp quận môn Lịch sử. “Tuy nhiên, thi vào lớp 10 lại là Toán, Ngữ văn, trong khi Toán là môn con hơi đuối nên tôi khá lo lắng,” chị Thương chia sẻ.
Không hy vọng nhiều vào việc môn thứ 3 sẽ là Lịch sử, môn lợi thế của con, chị Thương dự đoán môn thi này sẽ là Tiếng Anh vì hiện đây là môn được hầu hết các địa phương đã công bố phương án thi lựa chọn.
“Dù là môn nào thì Hà Nội cũng nên công bố sớm để các con yên tâm và có thêm thời gian ôn tập vì đây là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều thay đổi,” chị Thương nói.
Hiện chị và con vẫn chưa chốt chọn trường trung học phổ thông nào để đăng ký vì phải đợi Hà Nội công bố môn thi cũng như căn cứ điểm các kỳ thi khảo sát của con mới có thể đưa ra quyết định. “Quận Hà Đông có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng học sinh lớn nên độ cạnh tranh rất cao, để có một suất trường công là không dễ dàng nên tôi thực sự rất căng thẳng,” chị Thương nói.
Cũng theo chị Thương, học sinh ôn thi lớp 10 năm nay còn chịu thêm thiệt thòi khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có thời điểm ngay từ học kỳ hai, thời điểm các nhà trường bắt đầu đẩy nhanh tốc độ học và ôn tập cho học sinh cuối cấp.
“Tôi rất ủng hộ Thông tư 29 với chủ trương siết chặt dạy thêm, học thêm, nhưng nếu Thông tư ban hành ngay từ đầu năm thì các nhà trường sẽ chủ động hơn trong điều chỉnh kế hoạch dạy học. Hiện con tôi vẫn đang phải nghỉ học các buổi chiều để chờ phương án mới từ trường,” chị Thương nói.
Hồi hộp, lo lắng, căng thẳng cũng là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh khi kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội được đánh giá là khốc liệt hơn cả tuyển sinh đại học. “Cạnh tranh khốc liệt nên áp lực của học sinh rất lớn. Tôi mong Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10 để con được giải tỏa phần nào căng thẳng,” anh Nguyễn Hoàng Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ.

Việc công bố sớm môn thi sẽ giúp học sinh giảm áp lực ôn tập. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Với các học sinh, áp lực còn lớn hơn rất nhiều. “Chúng em đều vừa học, vừa ngóng môn thi,” Nguyễn Minh Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói.
Phải công bố trong tháng 2
Tại cuộc giao ban báo chí Trung ương sáng ngày 18/2, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay dự kiến trong tháng 2, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ công bố môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026.
Hoàn thành công bố phương án tuyển sinh trong tháng 2 là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra với chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2 vừa qua. Theo công điện, việc này nhằm giúp học sinh, giáo viên và các nhà trường chủ động trong chuẩn bị.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông bảo đảm minh bạch, thiết thực, hiệu quả, giảm áp lực, giảm chi phí cho xã hội.
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, việc tuyển sinh vào lớp 10 có ba hình thức là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Với hình thức thi tuyển sẽ gồm ba môn thi, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Môn thi/bài thi thứ 3 do các sở giáo dục và đào tạo quy định nhưng không được lặp lại quá 3 năm liên tiếp.
Hiện đã có hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, trong đó có hai địa phương lựa chọn hình thức xét tuyển với tuyển sinh đại trà (chỉ thi tuyển vào trường chuyên), gồm Vĩnh Long và Gia Lai.
Các địa phương còn lại đều chọn phương thức thi tuyển. Bên cạnh hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, môn thứ 3 được hầu hết các địa phương lựa chọn là Ngoại ngữ, nhiều địa phương quy định cụ thể là Tiếng Anh trong khi một số địa phương có thêm một số ngôn ngữ khác như Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung…
Đến thời điểm này, Hà Giang là tỉnh duy nhất chọn môn thi thứ 3 là bài thi tổ hợp hai môn Lịch sử và Địa lý áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh. Tỉnh Bình Thuận cũng sử dụng bài thi thứ 3 là Lịch sử-Địa lý nhưng chỉ áp dụng với việc tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, các trường còn lại thi môn Tiếng Anh./.