Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ

Dù đã gần 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh vẫn hằng ngày nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi tại ngôi nhà đặc biệt mang tên 'Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ'. Đây từng là nơi sinh sống và trưởng thành của 600 trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ trong suốt 30 năm qua.

Làm việc thiện từ sự đồng cảm

Một buổi chiều tháng 12-2020, chúng tôi có mặt tại phòng ăn dành cho khách trên tầng 3 của quán ăn Hoa Phượng (số 13 Ngô Văn Sở, tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Vừa rót trà mời chúng tôi, ông Vũ Tiến vừa chia sẻ: “Căn phòng rộng chưa đầy 50m2 này từng có thời điểm là nơi ở của 70 trẻ mồ côi. Quán Hoa Phượng chính là “cần câu cơm” của gia đình tôi và nuôi lớn 600 trẻ mồ côi trong suốt 30 năm qua”.

Nhớ lại kỷ niệm cũ, ông Vũ Tiến không kìm được nước mắt, chia sẻ: “Động lực khiến vợ chồng tôi nhận nuôi những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ xuất phát từ chính sự đồng cảm. Trước kia tôi cũng là trẻ mồ côi, từng lang thang cơ nhỡ, phải chịu cảnh đói cơm, khát nước; ốm đau mà không có người thân bên cạnh. Dù chỉ là một đứa trẻ nhưng tôi đã phải làm đủ nghề để kiếm sống”...

Khi trưởng thành, ông Tiến được nhận vào công tác ở Đoàn Văn công Công an nhân dân vũ trang (giờ là Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng). Sau 20 năm cống hiến, ông Tiến rời quân ngũ về nhà phát triển kinh tế. Lúc đó, ông Tiến trở lại thăm những nơi ngày xưa mình từng phiêu bạt như: Ga Hàng Cỏ, bãi sông Hồng, cầu Long Biên và gặp cảnh rất nhiều trẻ em đang lang thang kiếm sống. Ông Vũ Tiến kể: “Tôi không ngờ sau nhiều năm mà bọn trẻ vẫn khổ. Nhìn chúng, tôi thấy được hình ảnh của mình ngày xưa và cảm thấy xót thương vô cùng. Vì vậy, tôi quyết định đón bọn trẻ về nuôi ăn một bữa”. Từ đó, ngày nào những đứa trẻ cũng đến nhà ông Tiến ăn một bữa cơm; ăn xong lại ra ga ngủ; lúc ốm đau thì quay về để ông bà chăm sóc mấy ngày, khỏi lại đi.

Thấy mấy đứa trẻ vẫn khổ, ông Tiến đã nói ra bí mật của mình và ngỏ lời với vợ nhận các bé về nhà nuôi dưỡng. Sau khi nghe ông Tiến kể về thân phận từng là trẻ mồ côi, về tuổi thơ bất hạnh của mình, bà Oanh vô cùng xúc động, quyết tâm cùng chồng nuôi dạy các bé. 30 năm trôi qua, số trẻ mồ côi trưởng thành từ mái nhà của ông Tiến-bà Oanh đã lên đến 600 người. Hiện nay, tuy đã gần 80 tuổi, ông bà vẫn duy trì hoạt động của một công ty du lịch; kinh doanh cà phê buổi sáng, cơm vào buổi trưa và buổi tối, để nuôi dạy 7 đứa trẻ.

Ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh hát cùng các em nhỏ.

Hành trình 30 năm nuôi dạy trẻ mồ côi

Đang say sưa nghe ông Tiến kể chuyện, chúng tôi bỗng nghe tiếng đàn piano cùng tiếng hát trong trẻo của trẻ em réo rắt bên tai. Ông Tiến giải thích, các em nhỏ đã đi học về và đang chơi ở tầng dưới. Xuống thăm phòng sinh hoạt tầng 2, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy 6 em nhỏ khoảng 10-12 tuổi, mặc trang phục dân tộc và múa Chàm Rông rất điêu luyện theo tiếng nhạc. Một em nam khác đang chăm chú ngồi xem bản nhạc trên tay.

Trong giai điệu ngân nga, ông Vũ Tiến chia sẻ: “Âm nhạc chính là chìa khóa để mở ra khả năng học hỏi của con người. Quá trình tiếp xúc và hoạt động âm nhạc sẽ hình thành nên một nhân cách phát triển toàn diện, hài hòa”. Thế nên mỗi trẻ em sinh sống ở đây, ngoài việc học tập tại trường thì đều được học những bài hát về tình cảm gia đình, chơi đàn piano, diễn kịch, múa dân gian, do ông Tiến và những người đồng nghiệp cũ của ông dạy. Có nhiều em còn được ông bà đưa sang Nhật, Italy, Thái Lan theo những chương trình giao lưu để quảng bá các giá trị nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Em Quách Trung Hiếu bày tỏ: “Em rất vui vì được ông bà dạy cho nhiều môn nghệ thuật. Qua những câu hát, em cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp và ý nghĩa. Việc tập biểu diễn trước đám đông cũng rèn cho em sự tự tin khi giao tiếp với người khác”.

Sau khi điệu múa kết thúc, ông Tiến tập hợp các em ngồi xuống ghế để sinh hoạt. Ông Tiến đặt nhiều câu hỏi về văn hóa, pháp luật, đạo đức... Bất cứ câu hỏi nào của ông Tiến cũng đều được các em nhỏ trả lời to, rõ ràng. “Mục tiêu xuyên suốt 30 năm qua của chúng tôi là nuôi dạy các cháu trở thành những người lương thiện, biết chấp hành các quy định của pháp luật. Nên tôi đã soạn ra những nội dung cơ bản nhất về pháp luật, văn hóa... để dạy và kiểm tra các cháu vào mỗi buổi sinh hoạt tại nhà”, ông Tiến giải thích với chúng tôi.

Đứng dưới tấm bảng dán gần 100 bức ảnh của “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ”, ông Tiến tự hào chỉ tay vào từng bức ảnh, giới thiệu về từng đứa con, đứa cháu của mình và kể về cuộc sống của họ khi đã trưởng thành.

Theo ông, 600 trẻ mồ côi lớn lên đều khỏe mạnh, có việc làm và có người đã lập gia đình. Điển hình như anh Nguyễn Minh Huyên (Phú Thọ) được ông bà nuôi đến khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, rồi tiếp tục sang Italy học ngôn ngữ, hội họa, nhiếp ảnh. Hiện anh Huyên đã về nước và trở thành hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh, tiếng Italy. Hay vợ chồng anh Nguyễn Minh Phú và chị Lê Thị Thanh cùng được ông bà nuôi lớn, giờ đã là chủ của hai cửa hàng bánh ngọt tại Hà Nội. Bà Oanh xúc động nói: “Món quà lớn nhất mà vợ chồng tôi nhận lại sau tất cả những cố gắng là chứng kiến những đứa con, đứa cháu từng ngày trưởng thành, trở thành những người tốt, có công việc, có gia đình riêng”.

Nhân lên việc tốt

Suốt 30 năm qua, trước khi đến với “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ”, mỗi em đều có những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng ông Tiến nhớ nhất trường hợp của bé trai 3 tuổi lang thang ở chợ Long Biên (quận Ba Đình). Ông Tiến kể: “Cách đây 20 năm, tôi có mở lớp học xóa mù chữ ở chợ Long Biên. Khi đó, ông bảo vệ của chợ kể với tôi rằng có một bé trai khoảng 3 tuổi, mẹ đi tù, không có gia đình, họ hàng; cứ đi lang thang, ai cho gì thì ăn, có khi bới cả thùng rác tìm thức ăn. Thương cháu, tôi nhận về nuôi dạy và đặt tên là Vũ Long Biên. Cứ tối 30 Tết hằng năm, tôi lại đèo cháu ra chợ, vườn hoa Long Biên, các ngõ ngách xung quanh để tìm mẹ cháu”.

Khi Biên lên 7 tuổi, ông Tiến nhận được bức thư từ người mẹ. Qua thư ông biết được Biên tên thật là Nguyễn Tiến Đạt. Còn mẹ của Đạt đang thụ án tù ở tỉnh Ninh Bình, vì ốm nặng nên được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Nhờ câu chuyện của ông Tiến được phát trên truyền hình mà mẹ của Đạt đã nhận ra con và viết thư để xin ông bà cho gặp con một lần. Thương hoàn cảnh người phụ nữ, ông Tiến và bà Oanh đã đưa Đạt đến gặp mẹ. Một thời gian sau, cô được ra tù và tìm đến nhà ông bà xin ở với Đạt một tối. Để giúp hai mẹ con bù đắp quãng thời gian xa cách, ông Tiến đã ngỏ lời giữ cô ở lại giúp việc cho quán ăn nhưng cô từ chối để về quê chăm sóc mẹ già ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Khi Đạt học lớp 9 thì mẹ em qua đời.

Sau buổi nói chuyện với ông Tiến, bà Oanh, chúng tôi đã tìm gặp Nguyễn Tiến Đạt để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của em và được chia sẻ: “Ông bà đã nuôi em ăn học 17 năm, đến khi em tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Giờ em đã đi làm và kiếm được tiền. Từ khi còn bé, ông bà đã coi em như cháu ruột, yêu thương đùm bọc và dạy em trở thành người tốt. Nếu không có ông bà cưu mang, chắc em không có cơ hội trở thành người như hôm nay và đặc biệt là tìm được bố và các anh chị của mình vào năm 2019”.

Trong 7 bạn hiện đang sống tại “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ” có một bé trai có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đó là trường hợp của em Trần Hữu Hùng, 13 tuổi (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Liên lạc với bác ruột của Hùng, bà Trần Thị Được chia sẻ với chúng tôi: Mẹ Hùng mất từ khi em 2 tuổi, bố em đang điều trị tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên. Hùng mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, chỉ có người thân là bà nội hơn 90 tuổi và bác gái. Tuy nhiên, bà nội em đã mất cách đây hai năm. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên khi được người họ hàng giới thiệu, bác Hùng đã làm hồ sơ để xin cho em vào “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ”, lúc Hùng 6 tuổi. “Tôi thực sự rất biết ơn ông Tiến, bà Oanh. Nếu không có ông bà thì mình tôi không biết xoay xở thế nào để Hùng có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Từ khi sống với ông bà, cháu trở nên mạnh dạn, vui vẻ hơn. Đặc biệt, nhờ sự kèm cặp hằng ngày của bà Oanh mà giờ cháu đã học lớp 4 và rất ngoan”, bà Được xúc động nói.

Khi trưởng thành từ “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ”, rất nhiều người đã tiếp nối việc làm ý nghĩa của ông bà, làm việc thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt là trẻ em mồ côi. Điển hình như anh Lê Quang Hòa (Vĩnh Phúc) hiện đang làm chủ của hệ thống 14 cửa hàng bánh ngọt Pháp nổi tiếng ở Hà Nội. Ngoài kinh doanh, anh còn dạy nghề và tạo việc làm cho những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Làm việc tại quán ăn Hoa Phượng suốt 30 năm qua, chị Trần Thanh Vân chia sẻ: “Cách đây 30 năm, quán cơm hoạt động trên phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm). Khu vực đó lúc bấy giờ có nhiều trẻ em lang thang nên tối nào hai bác cũng nhắc tôi để lại 3-4 suất cơm phần cho mấy đứa trẻ có đi qua thì ghé vào ăn. 30 năm qua, tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ được hai bác nhận về nuôi. Đứa nào cũng được yêu thương, chăm sóc như con cháu trong nhà. Vì biết quán ăn Hoa Phượng kinh doanh để nuôi trẻ mồ côi nên khách hàng đến ủng hộ rất đông”.

Tạm biệt “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ”, chúng tôi tìm đến nhà bác Lê Mộng Liêm (Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Trần Hưng Đạo). Vừa nghe nhắc tới ông Tiến, bà Oanh, ông Liêm rất vui vẻ chia sẻ: “Gia đình ông bà rất tốt, sống chan hòa với mọi người, luôn đóng góp và tham gia tích cực các phong trào tại địa phương. Các cháu mồ côi được ông bà nuôi dạy rất ngoan và lễ phép. Ông bà chính là tấm gương sáng lan tỏa tình yêu thương tới mọi người xung quanh”.

Với những đóng góp to lớn, năm 2019, bà Vũ Thị Ngọc Oanh đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt-việc tốt”. Tuy nhiên, điều khiến ông Tiến, bà Oanh hạnh phúc hơn là những đứa con, đứa cháu trưởng thành từ “Gia đình trẻ mồ côi xa mẹ” đã và đang tiếp tục kế thừa những việc làm nhân ái của ông bà, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Bài và ảnh: ĐOÀN THU THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/gia-dinh-tre-mo-coi-xa-me-648525