Gắn kết giao thương quốc tế với thị trường tiêu dùng nội địa

Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh và ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị LOTTE Mart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Khách hàng mua sắm tại siêu thị LOTTE Mart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, sự gia tăng sức tiêu dùng nội địa được xem là một trong các yếu tố thúc đẩy sự quan tâm và hấp dẫn nhà sản xuất, nhà cung cấp ngoại tìm đến với thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc gắn kết mạng lưới giao thương quốc tế.

Ghi nhận trong những tháng đầu năm 2024, đa dạng nguồn cung thực phẩm ngoại liên tục thâm nhập vào thị trường Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng qua nhiều kênh xúc tiến thương mại. Trong đó, gắn kết mạng lưới giao thương quốc tế với tiêu dùng nội địa đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú trọng đẩy mạnh ở một số kênh bán lẻ hiện đại. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Kim Ki Hoon, Ủy viên Cục xúc tiến chế biến xuất khẩu, Bộ Đại Dương và Thủy sản Hàn Quốc cho biết: Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trong các quốc gia giao thương thực phẩm của Hàn Quốc, đồng thời là đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc. Theo đó, nhu cầu sử dụng những sản phẩm như rong biển, cá ngừ… của người Việt Nam ngày càng tăng lên rõ rệt.

Ông Kim Ki Hoon cũng chia sẻ thêm, với chức năng của mình, Cục xúc tiến chế biến xuất khẩu, Bộ Đại Dương và Thủy sản Hàn Quốc đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với mạng lưới phân phối, bán lẻ tại Việt Nam để tăng cơ hội giới thiệu đa dạng mặt hàng thủy sản, gồm: bàu ngư, hàu, rong biển… đến người tiêu dùng nội địa.

Những doanh nghiệp tham gia đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam cũng không chỉ dừng lại ở nhu cầu tiếp cận người tiêu dùng địa phương, mà còn mong muốn thúc đẩy với đối tác, doanh nghiệp HORECA (nhà hàng – khách sạn – căn tin).

Theo đại diện một số nhà bán lẻ tại Việt Nam, giải pháp chuyên biệt hoặc giải pháp cho khách hàng chuyên nghiệp B2B (giao dịch doanh nghiệp với doanh nghiệp) ngày càng được xem là lợi thế cạnh tranh của họ tại thị trường nội địa.

Bởi với vai trò là cầu nối giao thương trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, xuất nhập khẩu… đến tiêu dùng đầu cuối và nguồn cung nguyên vật liệu cho đơn vị chế biến thực phẩm, ẩm thực… thì nhà bán lẻ là mắc xích mà cả doanh nghiệp trong và ngoài nước không thể bỏ qua.

Nắm bắt xu hướng phân phối, bán lẻ mới, từ năm 2024 đến nay, Công ty MM Mega Market đã đẩy mạnh tổ chức đào tạo kiến thức sản phẩm cho đội ngũ bán hàng chuyên phục vụ nhóm khách hàng chuyên biệt, chuyên nghiệp B2B, nhằm quảng bá, tiếp thị tính nổi trội về sản phẩm, hàng hóa của nhà cung cấp, nhà xuất nhập khẩu...

Từ đó, đội ngũ MM Mega Market có thể cải tiến phương thức phân phối, bán lẻ và tư vấn phong phú giải pháp phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khách hàng B2B khác nhau.

Còn là một đơn vị kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô lớn nhất Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) luôn thúc đẩy phong trào kinh tế tập thể ở Việt Nam và khu vực.

Saigon Co.op không ngừng nỗ lực nắm bắt cơ hội gặp gỡ và trao đổi sáng kiến với hợp tác xã trong và ngoài nước, đồng thời xem đây là giải pháp góp phần đưa hàng Việt Nam, cũng như các nước giao thương trên cơ sở hợp tác khu vực và quốc tế; dự báo thị trường để kết nối khách hàng và đối tác kinh doanh hiệu quả.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, ngành bán lẻ đang đóng góp 35% vào GDP Việt Nam, nhưng tăng trưởng bán lẻ hiện nay vẫn đến từ kênh truyền thống nên còn nhiều dư địa cho bán lẻ hiện đại. Việt Nam đã có 16 năm liên tục tăng trưởng của thị trường bán lẻ và các nhà bán lẻ, doanh nghiệp, hợp tác xã hãy tận dụng giai đoạn này để chiếm thị phần. Hiện tại Việt Nam, trung bình khoảng 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại; 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phân phối, bán lẻ có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều dư địa để phát triển. Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng thu hút các thương hiệu nổi tiếng do số người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận tăng gấp đôi và số người giàu tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. Ngoài ra, báo cáo của Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng chỉ ra rằng, thương hiệu và chất lượng sản phẩm vẫn là một trong những yếu tố then chốt trong quyết định mua hàng của người Việt, khi có 26,1% người tiêu dùng Việt thường xuyên mua hàng từ các thương hiệu nổi tiếng; 35,8% sẵn sàng mua ít hơn nhưng sẽ lựa chọn sản phẩm chất lượng cao hơn...

Các yếu tố nền tảng mạnh mẽ đã tạo nên nhu cầu khổng lồ về bán lẻ đối với thị trường trong nước trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhà bán lẻ, cũng là thời cơ để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối trong nước.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gan-ket-giao-thuong-quoc-te-voi-thi-truong-tieu-dung-noi-dia/334551.html