Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Ngăn chặn người trúng đấu giá bỏ cọc

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc.

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản

Theo đó, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc.

Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

Về việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không phù hợp, vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: Truyền hình Quốc hội).

Về chế tài xử lý vi phạm, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến kết quả đấu giá bị hủy thì có thể bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Đây cũng là biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản…

Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) thì đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản.

Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá.

Hoặc nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/du-thao-luat-dau-gia-tai-san-ngan-chan-nguoi-trung-dau-gia-bo-coc-ar872436.html