Dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Bài 1: Khởi công rầm rộ rồi 'đắp chiếu'

Khởi công rầm rộ nhưng rồi chỉ sau thời ngắn, dự án BOT nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương 'bỗng dưng' ngưng trệ, 'đắp chiếu' suốt 6 năm nay. Điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy mà cho đến bây giờ các cơ quan, ban ngành ở TP.HCM vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.

Ngày 23/10/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ký ban hành Quyết định số 5386 duyệt kết quả chỉ định Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt là Công ty Yên Khánh) là nhà đầu tư thực hiện dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư là 1.557 tỷ đồng, riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng được tách ra dự án riêng, sử dụng ngân sách TP.HCM (hơn 560 tỷ đồng).

Mố cầu nham nhở sắt thép, bị bỏ hoang sau thời gian dài dự án ngừng thi công.

Mố cầu nham nhở sắt thép, bị bỏ hoang sau thời gian dài dự án ngừng thi công.

Đến tháng 4/2016, UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu cho Công ty Yên Khánh thực hiện dự án này với tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian xây dựng là 135 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu là 244,3 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Sau đó Công ty Yên Khánh thành lập doanh nghiệp làm dự án là Công ty TNHH đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương.

Ngày 25/6/2016, UBND TP.HCM và Công ty Yên Khánh ký Hợp đồng BOT số 3233 dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1). Địa điểm xây dựng tại huyện Bình Chánh, TP.HCM; chiều dài đoạn tuyến là 2,7 km, diện tích sử dụng đất là 32 ha; thời gian xây dựng công trình dự kiến 20 tháng kể từ ngày khởi công. Về phương án thu hồi vốn, chủ đầu tư được xây dựng 1 trạm BOT trên đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương để thu phí trong 17 năm 8 tháng.

Mặc dù ngày 25/6/2016 Hợp đồng BOT mới được ký kết nhưng trước đó vào cuối tháng 10/2015, dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được khởi công rầm rộ, đến tháng 6/2018 thì dừng hẳn. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM: Nhà đầu tư đã ngừng thi công từ tháng 6/2018, thực tế thi công dự án chậm so với thỏa thuận trong Hợp đồng BOT. Sở GTVT đã nhiều lần đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công do thực hiện còn sơ sài, chưa đảm bảo yêu cầu, hoàn thiện hồ sơ dự toán dự án, kế hoạch huy động vốn.

Tính đến thời điểm ngừng thi công (tháng 6/2018) dự án mới giải ngân được 140 tỷ đồng (tương đương 12% khối lượng xây lắp) trong khi thời gian thực hiện dự án đã hết. Sở GTVT TP.HCM đã cho nhà đầu tư 90 ngày để khắc phục nhưng vẫn không khả quan.

Một phần dự án BOT nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao thông với Quốc lộ 1A.

Một phần dự án BOT nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại nút giao thông với Quốc lộ 1A.

Điều đáng nói ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, sau 2 năm ký Quyết định số 5386 nói trên, vào năm 2018 đã bị khởi tố, bắt giam. Đến năm 2020 ông Tín bị xét xử, tuyên phạt 7 năm tù do liên quan đến sai phạm một dự án bất động sản có dính líu đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ nhôm).

Trong khi đó, liên quan đến dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, vào năm 2020, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, người lập ra Công ty Yên Khánh) mức án chung thân và bà Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) 14 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra còn có hàng loạt cán bộ, nhân viên Công ty Yên Khánh bị khởi tố, bắt giam, bị xét xử và đang thụ án do vi phạm trong đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM Trung Lương.

Những ngày đầu tháng 5/2024, phóng viên Báo Lao động Thủ đô quay trở lại khu vực triển khai dự án nối đường Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, chứng kiến khu vực cuối đường Võ Văn Kiệt, nơi sẽ xây dựng nút giao đồng mức vẫn bị rào kín, mố cầu nham nhở sắt thép. Kế đó, một diện tích đất đáng kể chưa được đền bù, giải phóng và bàn giao; hai mố cầu chỏng chơ, cây dại mọc um tùm...

Với 6 năm "đắp chiếu", hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ ra xây dựng dự án (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là đơn vị tài trợ, cho vay vốn đã giải ngân) sẽ xử lý thế nào? Câu trả lời sẽ có ở kỳ sau.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-an-noi-duong-vo-van-kiet-voi-cao-toc-tphcm-trung-luong-bai-1-khoi-cong-ram-ro-roi-dap-chieu-171020.html