Đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Ngô Văn Tuấn Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Ngô Văn Tuấn

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021.

Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh, tạo nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu xây dựng tỉnh đạt mức trung bình khá vào những năm tới. Dự kiến có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021. Trong đó, tỉnh đã bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 2,66% (nếu loại trừ Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt mức 5,5%); GRDP bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng. Tổng thu NSNN đạt trên 5.615 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 17.105 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%. Hộ nghèo giảm còn 6,6%. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, có thêm 9 xã về đích NTM, nâng tổng số xã đạt tiêu chí NTM toàn tỉnh lên 65 xã, chiếm 50,4% tổng số xã; 3 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM, chiếm 30%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 40.550 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 3% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm trước…

Năm 2021, BCH Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, tăng cường phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án đầu tư. Nhiều nhiệm vụ quan trọng được tập trung chỉ đạo. Nhiều lĩnh vực có những chuyển biến tích cực. Đảng bộ tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược về quy hoạch, cải cách hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Công tác quy hoạch tỉnh đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực được triển khai bảo đảm chất lượng, tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để quản lý, phát huy các nguồn lực, thu hút đầu tư thực hiện mục tiêu phát triển xanh, xanh hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh chủ động làm việc, kết nối với các bộ, ngành, nhà đầu tư khởi động, ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng chiến lược như: cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và đường liên kết vùng TP Hòa Bình - Kim Bôi, kết nối Hòa Bình với Hà Nội và Sơn La; dự án kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia; các hệ thống đường đô thị; các cầu qua sông Đà; thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn thị xã; đầu tư hạ tầng đô thị để nâng cấp TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II năm 2025…

Với sự đổi mới, chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền, nhiều nhà đầu tư lớn tin tưởng vào định hướng phát triển của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, triển khai dự án tập trung vào các lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, công nghiệp ở nhiều địa phương như: Lương Sơn, TP Hòa Bình, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc… mở ra cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển bền vững của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững; công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm. Tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh được bảo tồn, phát triển. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo thuận lợi để phát triển KT-XH. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp hướng tới thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, chính quyền còn có mặt hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt yêu cầu. Hoạt động thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp chậm cải thiện; thu NSNN chưa bền vững, chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đất… Đảng bộ tỉnh nghiêm túc kiểm điểm và tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục những yếu kém, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Năm 2022 có ý nghĩa đặt biệt quan trọng, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, dự báo có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp với sự xuất hiện của các biến thể mới. Trong nước, với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên; sự phục hồi của các đối tác quan trọng của Việt Nam sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho việc khôi phục khu vực dịch vụ trong nước, gia tăng sản xuất, xuất nhập khẩu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 là yếu tố tích cực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 đã đặt ra như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9% trở lên; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,55% (trong đó, công nghiệp tăng 13,3%); dịch vụ tăng 7,2%; thuế sản phẩm tăng 10%. GRDP bình quân đầu người 66,9 triệu đồng. Tổng đầu tư toàn xã hội 18.780 tỷ đồng. Tổng thu NSNN 6.410 tỷ đồng…

Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò người đứng đầu. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, các đề án, nghị quyết chuyên đề của cấp ủy tỉnh, kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển KT-XH. Tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch có liên quan, nhất là quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai; công khai quy hoạch và tổ chức quản lý, triển khai theo quy hoạch. Có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết trúng các điểm nghẽn đang gây cản trở. Cần thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong thời kỳ mới. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện đột phá về chiến lược phát triển hạ tầng theo phương châm đồng bộ, liên thông và kết nối, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để có thể khởi công xây dựng 3 tuyến đường huyết mạch, tạo đột phá cho không gian phát triển của tỉnh là: Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình - Mộc Châu và đường liên kết vùng TP Hòa Bình - Kim Bôi...; sớm đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy; cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bước vào năm Nhâm Dần 2022, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, nhận thức, cách làm, thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, các khâu đột phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/162414/doan-ket,-dong-long-xay-dung-que-huong-ngay-cang-phat-trien.htm