Đề xuất quy định doanh nghiệp lập quỹ dự phòng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Trong phiên thảo luận sáng, nhiều đại biểu tham gia thảo luận nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động trước tình trạng trốn đóng, chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội đang có xu hướng gia tăng thời gian qua.

Thảo luận về nội dung khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội ở Chương VIII của dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Danh Lam (Hậu Giang) đề nghị nên có quy định về trách nhiệm tổ chức kiểm tra chặt chẽ hơn đối với việc thu nộp bảo hiểm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đại biểu, thời gian qua, vấn đề trốn đóng, chậm đóng và đặc biệt là nợ bảo hiểm xã hội rất cao, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động và người lao động phải tham gia các vụ kiện tụng ở tòa. Tuy nhiên, quá trình kiện tụng kéo dài và trong nhiều trường hợp, hồ sơ kiện của người lao động bị tòa trả lại nhiều lần do thiếu các giấy tờ cần thiết. Như vậy, người lao động vẫn bị thiệt thòi. Vì thế, đại biểu đề nghị nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật quy định Chính phủ có thể giao hẳn cho ngành Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị kiến nghị khởi kiện ra tòa theo Bộ luật Hình sự. Đại biểu cũng cho rằng Chính phủ nên bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng bảo hiểm xã hội giống như quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm nhất định để đảm bảo quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. “Như thế, người lao động sẽ không bị thiệt thòi như trong thời gian qua. Khi doanh nghiệp hoạt động tốt, việc chăm lo cho người lao động sẽ tốt hơn. Còn nếu doanh nghiệp có vấn đề về rủi ro, vẫn đảm bảo được nguồn quỹ cho người lao động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội....”, đại biểu Lê Thị Danh Lam nhấn mạnh. Cũng góp ý về quy định phòng, chống tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng. Để giảm tình trạng các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị cũng cần có quy định chế độ công khai rộng rãi về thông tin tình hình nợ xấu; thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp để người lao động có thể theo dõi cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động; đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động cung cấp thông tin về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Thị Hương phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Thị Hương phát biểu ý kiến. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Đóng góp ý kiến về quy định đối tượng vị khởi kiện vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Kim Yến (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh đối tượng là người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn có thể khởi kiện với cả cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu, khi tổ chức Công đoàn có căn cứ cho rằng cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dẫn đến người lao động bị ảnh hưởng đến quyền, quyền lợi, thì có thể xem xét khởi kiện ra tòa.

“Ví dụ như khi người lao động, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài mà cơ quan Bảo hiểm xã hội không có chế tài thích hợp thì tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện cơ quan Bảo hiểm xã hội hay không?”, đại biểu đặt vấn đề. Mặt khác, đại biểu Trần Kim Yến cũng đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội. “Về quyền và quyền hạn của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tôi cho rằng về bản chất, chủ nợ của bảo hiểm xã hội chính là cơ quan Bảo hiểm xã hội, cho nên khi người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì chủ nợ có quyền khởi kiện. Tôi đề xuất bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Thực tế trong thời gian qua, khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội thì việc tiếp cận, thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn. Vì vậy, đề xuất cần bổ sung thêm nội dung này”, đại biểu Trần Kim Yến đề xuất.

Việt Đức/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-quy-dinh-doanh-nghiep-lap-quy-du-phong-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc/334495.html