Đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc về mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam
Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình triển khai các thủ tục về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025).
Theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 17,1 triệu m3 đá; khoảng 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp. Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn cho thấy, có 102 mỏ đá với tổng trữ lượng hơn 189 triệu m3, dự kiến, sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng hơn 152 triệu m3. Trong 114 mỏ cát có khả năng đáp ứng, tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3.
Về mỏ đất đắp, quá trình khảo sát có 109 mỏ đáp ứng yêu cầu, tổng trữ lượng gần 135 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ với trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3. Khẳng định số lượng mỏ vật liệu nêu trên đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án, song Bộ Giao thông Vận tải cho biết, xét về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác hiện nay, các mỏ chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.
Cụ thể, so với tổng nhu cầu vật liệu đá của các dự án với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 6,4 triệu m3/năm); đồng thời, tính nhu cầu đá cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho công tác móng, mặt đường), lượng đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3.
So với tổng nhu cầu vật liệu cát của các dự án (khoảng 8,95 triệu m3) với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 1,76 triệu m3/năm) và tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho công tác xử lý đất yếu), các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3.
"Về vật liệu đất đắp, các mỏ sử dụng cho dự án đã được các địa phương quy hoạch 86/90 mỏ, đảm bảo nhu cầu vật liệu đắp. Riêng 4 mỏ sử dụng tại dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (nhu cầu khoảng 1,23 triệu m3) chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch. Đối với các mỏ đang khai thác, so với nhu cầu của dự án, lượng đất đắp còn thiếu khoảng 3 triệu m3", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu, theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, hầu hết mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (61 mỏ/80 mỏ).
Mặc dù Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ quy định, vật liệu cát, sỏi lòng sông chỉ được tăng công suất khai thác 50% theo cơ chế đặc thù tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng với khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Chính phủ cũng chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Về thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1411 ngày 18/3/2022 hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện tại các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất.
Để tháo gỡ vướng mắc, sau khi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có thông báo số 167 ngày 25/11/2022. Theo đó, đối với các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định sẽ thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai. Các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án.
Tuy nhiên, các địa phương còn chưa rõ, các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường có thuộc hạng mục của dự án hay không. Theo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không bao gồm chi phí để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu.
Ngoài ra, theo nội dung văn bản số 1411 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường giao cho nhà thầu thi công khai thác, các nhà thầu không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ lại yêu cầu phải thực hiện thủ tục này", Bộ Giao thông Vận tải nêu khó khăn.
Liên quan đến bài toán vật liệu tại hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu của hai dự án khoảng 1,37 triệu m3 đá; khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nền. So với tổng nhu cầu vật liệu cát, đến nay, mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải nhận định, với tổng công suất khai thác hiện nay (24 mỏ với khoảng 6,17 triệu m3/năm), nếu tăng công suất khai thác thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm (khoảng 6,17 triệu m3) cho dự án, nhu cầu vật liệu của dự án vẫn chưa được đáp ứng (khoảng 11,1 triệu m3 trong năm 2023 và 7,4 triệu m3 trong năm 2024).
Đối với nguồn vật liệu cát biển, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đang xây dựng dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Dự kiến, dự án sẽ triển khai trong năm 2023.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang chủ động chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, kết quả đánh giá sẽ có vào cuối năm 2023.
"Căn cứ tình hình thực tế, nhanh nhất phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án. Trong năm 2023 và 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông", báo cáo nêu.
Trước những vướng mắc nêu trên, hàng loạt giải pháp đã được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị nhằm đáp ứng đủ vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 bám sát tiến độ.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên nguồn vật liệu cát cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ trong tháng 1/2023 để có thể khai thác, cung cấp phục vụ thi công.
Trước mắt, khi chưa hoàn tất thủ tục khai thác mỏ mới, chỉ đạo sở, ngành liên quan của địa phương thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác để cung cấp ngay cho dự án. Đối với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án chưa có trong quy hoạch, hoàn tất các thủ tục để có thể giao cho nhà thầu khai thác.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Phó Thủ tướng có ý kiến với UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chỉ đạo sở, ban ngành phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án rà soát để nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn cần sử dụng cho dự án.
Với mỏ cát đã có trong quy hoạch, nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thủ tục để giao cho nhà thầu khai thác (Hà Tĩnh 1 mỏ; Quảng Trị 2 mỏ; Quảng Ngãi 6 mỏ; Bình Định 8 mỏ; Phú Yên 7 mỏ).
"Riêng về phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cần tiếp tục có văn bản hướng dẫn các địa phương trong vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, phương án đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện thu hồi đất đối với mỏ khoáng sản được khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP cho phép UBND các tỉnh khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được nâng công suất mỏ cát nhằm đáp ứng nhu cầu, tiến độ dự án", Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.